ĐHQGHN triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong năm học 2021 - 2022

Với mục đích kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào các đơn vị; đồng thời đảm bảo công tác y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm. Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng. Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid -19 của ĐHQGHN đã ban hành văn bản xây dựng “Kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của ĐHQGHN năm học 2021 – 2022” như sau:

1. Mục đích, yêu cầu

1.1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên ĐHQGHN về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch Covid-19.

- Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có các tình huống xảy ra thì chủ động xử lý đáp ứng kịp thời, có hiệu quả; tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người, tài sản.

- Phát hiện sớm trường hợp nhiễm dịch bệnh Covid-19, xử lý kịp thời và đưa đến nơi điều trị theo đúng qui định của Bộ Y tế, hạn chế dịch lây lan, giảm đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong.

- Kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào các đơn vị; đồng thời đảm bảo công tác y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm. Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.

1.2. Yêu cầu

- Quá trình xử lý, giải quyết các tình huống, vụ việc liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại các đơn vị phải tuân thủ quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, UBND Thành phố Hà Nội và các quy định của Nhà nước theo từng giai đoạn cụ thể. Hạn chế mức thấp nhất hậu quả, tác hại xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng cho cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên và tài sản của các cá nhân, đơn vị.

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

2. Nội dung hoạt động thường xuyên

2.1. Thực hiện việc tiêm chủng phòng Covid-19 theo kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội

Tiêm chủng phòng Covid-19 được xác định là chiến lược và nội dung hoạt động quan trọng nhất để giúp các đơn vị khôi phục hoạt động bình thường một cách an toàn. Vì vậy, các đơn vị phải chủ động phối hợp với chính quyền và cơ quan y tế địa phương để tiến hành việc tiêm chủng Covid-19 cho tất cả cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên thuộc đơn vị.

2.2. Xét nghiệm sàng lọc Covid-19

Các đơn vị thực hiện đầy đủ việc xét nghiệm sàng lọc theo kế hoạch của chính quyền và cơ quan y tế địa phương (hoặc chủ động liên hệ với Bệnh viện ĐHQGHN) để xét nghiệm sàng lọc định kỳ, người có yếu tố nguy cơ, người nghi nhiễm bệnh (bao gồm những người có hoặc không có triệu chứng), cách ly các ca bệnh, cách ly những người bị phơi nhiễm với Covid-19 theo qui định.

2.3. Tổ chức học trực tuyến, kiểm tra, sàng lọc chặt chẽ người ra vào đơn vị

Các đơn vị đào tạo căn cứ theo chủ trương học trực tuyến trong học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 của ĐHQGHN để chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch dạy và học với các môn học phù hợp, bảo đảm nội dung, chất lượng đào tạo đồng thời thực hiện nghiêm công tác báo cáo hoạt động đào tạo trực tuyến theo văn bản số 2446/ĐHQGHN-ĐT ngày 20/8/2021 của ĐHQGHN.

Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá trực tiếp hoặc triển khai các hoạt động thực tập, thực hành cho sinh viên khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, các đơn vị cần xây dựng phương án cụ thể, thích ứng an toàn với dịch Covid-19 gửi báo cáo Ban Chỉ đạo ĐHQGHN và phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cá nhân ra, vào đơn vị cũng cần được thực hiện nghiêm túc.

2.4. Sử dụng khẩu trang liên tục và đúng cách

Các đơn vị cần có quy định và giám sát việc thực hiện mang đeo khẩu trang liên tục và đúng cách. Đặc biệt khi các cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên ở trong nhà, ở nơi đông người và khi không thể duy trì việc giữ khoảng cách trong các hoạt động có sự tiếp xúc gần kéo dài với những người khác.

2.5. Giữ khoảng cách khi tiếp xúc

Các đơn vị khi tổ chức các sự kiện tập trung cần duy trì khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa các cá nhân, kết hợp với việc đeo khẩu trang trong nhà để giảm nguy cơ lây truyền. Đồng thời kết hợp các biện phòng ngừa khác như chia nhóm, tăng cường thông gió, rửa tay và che mũi, miệng khi ho, hắt hơi để giúp giảm nguy cơ lây truyền.

2.6. Rửa tay và vệ sinh cơ quan hô hấp thường xuyên

Trang bị đầy đủ các thiết bị để mọi người có thể thực hành rửa tay để hạn chế nhiễm và lây lan bệnh lây nhiễm bao gồm Covid-19. Hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không thể rửa tay, hãy dùng dung dịch sát trùng tay có nồng độ cồn tối thiểu 60%. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng.

2.7. Vệ sinh và khử trùng và đảm bảo thông gió tại nơi làm việc

Các đơn vị cần tiến hành vệ sinh các khu vực giảng đường, nơi làm việc một lần mỗi ngày để loại bỏ mầm bệnh còn lại trên các bề mặt, giúp giảm nguy cơ lây lan bệnh. Các loại hóa chất và bước vệ sinh, khử trùng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các đơn vị chủ động trang bị các thiết bị để cải thiện thông gió và mở nhiều cửa sổ tại các giảng đường và nơi làm việc để có thể giảm số hạt có chứa vi-rút trong không khí; đưa không khí trong lành vào trong tòa nhà giúp tránh không để các hạt chứa vi-rút tập trung ở bên trong.

2.8. Ở nhà khi bị bệnh và đi xét nghiệm

Cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên khi có các triệu chứng của bệnh lây nhiễm, như cúm hoặc Covid-19 nên ở nhà và đi xét nghiệm Covid-19 để phát hiện sớm, tránh truyền sang cho người khác và nhanh chóng truy dấu tiếp xúc, ngăn chặn lây lan tại đơn vị.

3. Các giải pháp thực hiện theo tình huống

3.1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh do Covid-19 trong học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên và người lao động tại các đơn vị trong ĐHQGHN

3.1.1. Đơn vị đào tạo và Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên tiếp nhận sinh viên:

a) Sinh viên đến từ vùng có bệnh do Covid-19:

Các khu vực, vùng có Covid-19 đang lưu hành, đơn vị đào tạo báo Trạm y tế phường hoặc Trung tâm y tế quận và Bệnh viện phối hợp khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; cách ly, theo dõi:

- Trường hợp 1: nếu có triệu chứng của Hội chứng cúm, hoặc triệu chứng nghi ngờ cho cách ly, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, học tại nhà cho đến khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR:

+ Kết quả xét nghiệm RT-PCR: âm tính, đi học bình thường.

+ Kết quả xét nghiệm RT-PCR: dương tính, thông báo với chính quyền, CDC nơi tạm trú và Ban Chỉ đạo, Bệnh viện ĐHQGHN phối hợp đưa đi cách ly, điều trị và xử lý các bước tiếp theo như Tình huống 2 được mô tả ở phần sau.

- Trường hợp 2: nếu tiếp xúc gần (người bệnh hoặc gia đình người bệnh chưa được khẳng định âm tính bằng xét nghiệm RT-PCR sau khi tiếp xúc gần) cho cách ly, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, học tại nhà trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập trường). Khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR, được xử lý như trường hợp 1.

- Trường hợp 3: nếu không có tiếp xúc gần (không tiếp xúc người bệnh hoặc gia đình người bệnh) và không có triệu chứng cúm. Tư vấn, hướng dẫn phòng chống cho người xung quanh, vẫn đi học bình thường, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập trường).

b) Sinh viên đến từ vùng có dịch bệnh do Covid-19, trong 14 ngày không phát hiện có ca nhiễm mới. Đơn vị đào tạo báo Bệnh viện phối hợp giám sát y tế như sau:

- Trường hợp có triệu chứng ho, sốt, đau ngực, hắt hơi, chảy nước mũi: đến Bệnh viện ĐHQGHN để được khám sàng lọc, chẩn đoán, điều trị.

- Trường hợp khỏe mạnh bình thường: đơn vị đào tạo lập danh sách theo dõi thêm trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập trường).

c) Sinh viên đến từ vùng không có dịch bệnh do Covid-19:

Đơn vị đào tạo hướng dẫn học sinh, sinh viên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các đơn vị chuyên môn có thẩm quyền.

3.1.2. Triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại đơn vị:

- Tất cả các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dich Covid-19 theo chỉ đạo các cấp và của ĐHQGHN.

- Các đơn vị phân công cán bộ theo dõi tình hình sức khỏe cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên hàng ngày, báo cáo tham vấn Bệnh viện ĐHQGHN khi phát hiện có bất thường.

3.1.3. Giám sát tình hình sức khỏe và công tác phòng chống dịch:

Bệnh viện ĐHQGHN trực tiếp chịu trách nhiệm cụ thể như sau:

- Giám sát công tác phòng chống dịch: Cán bộ y tế trường học tại các địa điểm KTX Mễ Trì, KTX Ngoại ngữ, KTX Mỹ Đình, khu vực 336 Nguyễn Trãi trao đổi thông tin, kiểm tra công tác phòng chống dịch hàng ngày và báo nhanh về Tổ y tế trường học Bệnh viện ĐHQGHN.

- Giám sát tình hình sức khỏe:

* Trong giờ học: Bố trí thường trực tại các địa điểm KTX Mễ Trì, KTX Ngoại ngữ, KTX Mỹ Đình, khu vực 336 Nguyễn Trãi để phối hợp với đơn vị đào tạo, khám sàng lọc tại chỗ khi học sinh, sinh viên có triệu chứng nghi ngờ.

* Ngoài giờ học: Khi xuất hiện học sinh, sinh viên có triệu chứng nghi ngờ, Ban Quản lý các Ký túc xá liên hệ với Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện ĐHQGHN (trực 24/24, cả Thứ bảy và Chủ nhật) để tiến hành kiểm tra sàng lọc và xử lý. Trường hợp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19, tư vấn nhanh, mời khám lại và làm xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện ĐHQGHN, kể cả ngoài giờ hành chính (do kíp trực đảm nhiệm):

+ Trường hợp xét nghiệm Covid-19 (-) âm tính: điều trị ngoại trú, theo dõi đến khỏi bệnh;

+ Trường hợp xét nghiệm Covid-19 (+) dương tính: thông báo với chính quyền, CDC nơi tạm trú và Ban Chỉ đạo phối hợp đưa đi cách ly, điều trị. Xử lý các bước tiếp theo như Tình huống 2, mô tả dưới đây.

3.2. Tình huống 2: Xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 tại đơn vị.

3.2.1. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của đơn vị thông báo ngay tới Bệnh viện ĐHQGHN, Ban Chỉ đạo của ĐHQGHN, chính quyền và CDC trên địa bàn để xin ý kiến chỉ đạo và giúp đỡ. Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo và giúp đỡ của các cấp có thẩm quyền, đơn vị phối hợp với Bệnh viện ĐHQGHN tiến hành khẩn cấp cùng một lúc các công việc cụ thể như sau:

- Cách ly tuyệt đối người nhiễm bệnh để tránh truyền bệnh cho người khác, chờ ý kiến của CDC địa phương và đưa đi điều trị theo phân tuyến, theo hai Phương án sau:

+ Phương án 1: Cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế của địa phương theo quy định của địa phương;

+ Phương án 2: Cách ly và điều trị (bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình) tại cơ sở của Bệnh viện ĐHQGHN trong khuôn viên của ĐHQGHN ở Hòa Lạc (theo sự phân công của ĐHQGHN và được Bộ Y tế chấp thuận); khi người bệnh có diễn biến nặng (thở oxy thâm nhập trở lên) chuyển tuyến trên theo quy định phân tuyến điều trị.

- Khoanh vùng, phong tỏa những nơi người bệnh đã qua lại thuộc đơn vị quản lý (nội bất xuất, ngoại bất nhập):

+ Lấy mẫu xét nghiệm nhanh và RT-PCR cho toàn bộ người bên trong khu vực phong tỏa: những người có test nhanh dương tính, bố trí cách ly tuyệt đối trong khu vực đã phong tỏa chờ kết quả RT-PCR. Những người test nhanh âm tính cho cách ly tại đơn vị (bên ngoài khu vực phong tỏa), chờ kết quả RT-PCR. Trường hợp RT-PCR dương tính, cho cách ly và điều trị theo phân tuyến như trên; Trường hợp RT-PCR âm tính, cho cách ly tại nhà hoặc tập trung theo chỉ đạo của CDC địa phương.

+ Khử khuẩn toàn bộ khu vực phong tỏa; Khu vực phong tỏa này sẽ được gỡ bỏ trong vòng 72 giờ sau khi khử khuẩn.

- Truy vết F1, F2 và thông báo với các đối tượng và CDC địa phương của F1, F2 để CDC địa phương xử lý và tiếp tục truy vết theo quy định.

- Nếu F1 là cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên của ĐHQGHN đang cư trú trên địa bàn Hà Nội; thông báo cách ly tuyệt đối để Bệnh viện ĐHQGHN đến lấy mẫu RT-PCR tại chỗ cách ly. Nếu F1 có kết quả RT-PCR âm tính, cách ly F1 theo quy định và kết thúc việc truy vết. Nếu F1 có kết quả RT-PCR dương tính, cho cách ly và điều trị theo phân tuyến như trên và tiếp tục truy vết.

3.2.2. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của đơn vị quản lý cấp trên có thẩm quyền và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của ĐHQGHN để xử lý triệt để ổ dịch, giám sát điều tra dịch tễ nhằm hạn chế tối đa ổ dịch lan rộng trong cộng đồng.

3.2.3. Theo dõi sát diễn biến, đánh giá tình hình hàng ngày, tham mưu kịp thời với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của ĐHQGHN để chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

3.3. Tình huống 3: Dịch ngoài cộng đồng xâm nhập vào ĐHQGHN

a) F1, F2 ngoài cộng đồng xâm nhập vào ĐHQGHN: Ban Chỉ đạo của các đơn vị có trường hợp F1, F2 cộng đồng thâm nhập thông báo khẩn cho những người tiếp xúc gần của đơn vị tự cách ly tại chỗ, chờ thông báo tiếp theo. Ban Chỉ đạo cả đơn vị phân công cán bộ tiến hành truy vết đồng thời thăm dò chắc chắn thông tin xét nghiệm của F1, F2 cộng đồng nếu có:

- Trường hợp 1: Nếu F1, F2 cộng đồng có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính sau khi qua lại trong đơn vị mình, kết thúc việc truy vết, mọi hoạt động vẫn tiếp diễn bình thường.

- Trường hợp 2: Nếu F1, F2 chưa làm xét nghiệm RT-PCR; đơn vị phối hợp với F1, F2 cộng đồng xin phép và báo khẩn cho Bệnh viện ĐHQGHN đến tận nơi lấy mẫu miễn phí:

+ Nếu F1, F2 cộng đồng có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính sau khi qua lại trong Đơn vị mình, kết thúc việc truy vết, mọi hoạt động vẫn tiếp diễn bình thường.

+ Nếu F1, F2 cộng đồng có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính, đơn vị tiếp tục truy vết F1, F2 của ĐHQGHN và báo Bệnh viện ĐHQGHN xét nghiệm khẩn cấp cho các đối tượng này. Nếu F1, F2 của ĐHQGHN có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính; cách ly triệt để các Đối tượng này và kết thúc truy vết. Nếu F1, F2 của ĐHQGHN có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính; cách ly triệt để các đối tượng này và tiếp tục truy vết lặp lại các bước như trên.

b) Trường hợp F0 ngoài cộng đồng xâm nhập vào ĐHQGHN: Ban Chỉ đạo của các đơn vị có F0 cộng đồng thâm nhập thông báo khẩn cho những người tiếp xúc gần của đơn vị tự cách ly tại chỗ, chờ thông báo tiếp theo. Ban Chỉ đạo của đơn vị báo cáo Ban Chỉ đạo của ĐHQGHN, chính quyền và CDC trên địa bàn để xin ý kiến chỉ đạo và giúp đỡ đồng thời phân công cán bộ tiến hành truy vết và báo khẩn cho Bệnh viện ĐHQGHN xét nghiệm của F1, F2 của đơn vị và ĐHQGHN nếu có:

- Trường hợp 1: Nếu F1, F2 của đơn vị có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính, cách ly triệt để các đối tượng này, kết thúc việc truy vết, mọi hoạt động vẫn tiếp diễn bình thường.

- Trường hợp 2: Nếu F1, F2 của đơn vị có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính, đơn vị tiếp tục truy vết F1, F2 của đơn vị và ĐHQGHN nếu có và báo Bệnh viện ĐHQGHN xét nghiệm khẩn cấp cho các đối tượng này. Nếu F1, F2 có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính; cách ly triệt để các đối tượng này và kết thúc truy vết. Nếu F1, F2 của ĐHQGHN có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính; cách ly triệt để các đối tượng này và tiếp tục truy vết lặp lại các bước như trên.

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của đơn vị quản lý cấp trên có thẩm quyền và Ban Chỉ đạo của ĐHQGHN để xử lý triệt để ổ dịch, giám sát điều tra dịch tễ nhằm hạn chế tối đa ổ dịch lan rộng trong cộng đồng.

d) Theo dõi sát diễn biến, đánh giá tình hình hàng ngày, tham mưu kịp thời với Ban Chỉ đạo của ĐHQGHN để chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần hỗ trợ về chuyên môn, đề nghị liên hệ với Bệnh viện ĐHQGHN (qua BS. Nguyễn Quang Tâm, ĐT:0973778686, email nquangtam@gmail.com hoặc BS. Nguyễn Hữu Hùng ĐT: 0965878679, email huuhungmoh@gmail.com) để phối hợp thực hiện.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của ĐHQGHN đề nghị các đơn vị căn cứ Kế hoạch trên đây, chủ động xây dựng Kế hoạch của đơn vị và triển khai hiệu quả, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm thực hiện thành công nhiệm vụ năm học 2021-2022./.

>>> Công văn chi tiết

 Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid -19 ĐHQGHN