Ngày 24/04/2025, tại Ký túc xá Mễ Trì, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên ĐHQGHN đã tổ chức buổi tọa đàm trực tiếp và trực tuyến với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo - Công cụ AI và Ứng dụng thực tiễn”. Sự kiện thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên từ các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN tham gia. |
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Vũ Văn Thắng nhấm mạnh rằng chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên chưa từng có, nơi trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. "Sự phát triển của AI đang làm thay đổi căn bản cách con người học tập, làm việc và kết nối với thế giới".
Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Vũ Văn Thắng, chưa bao giờ khoảng cách giữa ý tưởng và hành động lại ngắn đến vậy. Với một chiếc máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh, sinh viên ngày nay có thể thực hiện những dự án mà trước kia cần đến cả một phòng nghiên cứu chuyên nghiệp. Khách mời chính của buổi tọa đàm – Nhà giáo Ưu tú, TS. GVCC Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN, đã có phần trình bày sâu sắc và sinh động, mang đến cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của AI hiện nay. Nhà giáo Ưu tú, TS. GVCC Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục mở đầu bằng việc phân tích những xu hướng AI phổ biến trên thế giới, bao gồm: AI tạo sinh (Generative AI) như ChatGPT, Copilot, Midjourney – đang dần được tích hợp vào các nền tảng học tập và làm việc; AI hỗ trợ học thuật (EdTech) như Khanmigo, Scribe, Quillbot – giúp sinh viên luyện viết, ghi chú, và tóm tắt nội dung; AI trong phân tích dữ liệu lớn (Big Data & Analytics) – một công cụ thiết yếu cho nghiên cứu khoa học hiện đại. Ông cũng nhấn mạnh rằng AI không thể thay thế hoàn toàn con người, đặc biệt trong các lĩnh vực đòi hỏi cảm xúc, đạo đức và sáng tạo. “AI có thể viết thơ, sáng tác nhạc, nhưng việc truyền cảm hứng, thấu cảm hay lý giải triết học vẫn là ‘đặc quyền’ của con người,” ông nói. Không khí hội trường trở nên sôi nổi khi các bạn sinh viên lần lượt đưa ra những câu hỏi thực tế, xoay quanh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập, nghiên cứu và công việc tương lai. Đây là cơ hội quý giá để người tham dự được lắng nghe những chia sẻ chân thực, giàu kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành. Một trong những câu hỏi được nhiều sinh viên quan tâm là: “Sinh viên không học ngành CNTT có cơ hội gì với AI không?” – TS. Tôn Quang Cường khẳng định: “AI không chỉ dành riêng cho ngành công nghệ. Trong giáo dục, truyền thông, kinh tế, y tế… AI đều có vai trò hỗ trợ quan trọng.” Ông cho rằng sinh viên ở mọi ngành học đều nên trang bị cho mình kiến thức cơ bản về công nghệ, kỹ năng sử dụng công cụ số, đồng thời rèn luyện khả năng học tập suốt đời để bắt kịp với nhịp thay đổi của thời đại. Buổi tọa đàm không chỉ mang đến tri thức mới về trí tuệ nhân tạo, mà còn khơi dậy tư duy sáng tạo, tinh thần đổi mới trong mỗi sinh viên. Trong thời đại mà AI đang định hình tương lai, chính con người – với sự chủ động, bản lĩnh và trách nhiệm – mới là yếu tố quyết định để công nghệ phục vụ cho sự phát triển bền vững và nhân văn. |