Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mãi đi xa, nhưng hình ảnh của Người còn sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên toàn thế giới.
Tham dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours, ngày 26-12-1920 với tư cách là đại biểu Đông Dương, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Ngày 5-6-1911, tại cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) quyết tâm ra đi trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình-Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ''Tuyên ngôn Độc lập" tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. (Nguồn: Tư liệu TTXVN) |
Ngày 19-9-1954, tại sân Đền Giếng trong Khu di tích Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), trước khi về tiếp quản Thủ đô, cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân tiên phong - Sư đoàn 308 được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật. Người căn dặn: ''Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". (Ảnh: Đinh Đăng Định/TTXVN)
Cuối tháng 9-1953, tại bản Tỉn Keo, An toàn khu Định Hóa (nay thuộc xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến chiến cục Đông Xuân 1953-1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp tại Đông Dương. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Sáng sớm ngày 16-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vị trí quan sát đặt trên núi Báo Đông để quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận đánh các cứ điểm địch ở Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. Hình ảnh vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc không ngại khó khăn, nguy hiểm ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu là nguồn động viên to lớn, làm nức lòng quân và dân ra sức thi đua ''giết giặc lập công'' đưa chiến dịch đến toàn thắng. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Đoàn đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1956). (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người sáng lập, vừa là người trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân; lấy ''thượng tôn pháp luật'' làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Người đứng đầu Ủy ban soạn thảo 2 bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959; ký lệnh công bố hoặc ban hành 16 luật và 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác. Trong ảnh: Ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 1, công bố Hiến pháp mới năm 1959 - Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở nước ta. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào và dày công vun đắp, xây dựng cho mối quan hệ này ngày càng trong sáng, thủy chung, mẫu mực. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Chủ tịch Lào Souphanouvong tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1958.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3-9-1945. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã sớm đặt vấn đề mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước theo hướng đa phương và đa dạng. Những nguyên tắc này là sự thể hiện sâu sắc tinh thần kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại Việt Nam, tinh hoa văn hóa đối ngoại thế giới. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình Thủ tướng Jawaharlal Nehru nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ từ 5 đến 14-2-1958. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra Quân đội nhân dân Việt Nam, một đội quân ''Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh và nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Sự quan tâm của Bác với lực lượng vũ trang nhân dân, với Quân đội nhân dân là vô cùng lớn lao. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội, ngày 25-9-1966. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã sớm đặt vấn đề mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước theo hướng đa phương và đa dạng. Những nguyên tắc này là sự thể hiện sâu sắc tinh thần kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại Việt Nam, tinh hoa văn hóa đối ngoại thế giới. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Guinea Ahmed Sékou Touré ký Tuyên bố chung Việt Nam-Guinea, ngày 17-9-1960, tại Phủ Chủ tịch. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo củng cố miền Bắc về mọi mặt, trước hết phải khôi phục và nâng cao sản xuất nông nghiệp. Người cho rằng, nông nghiệp phải là mặt trận hàng đầu. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia tát nước chống hạn cùng nông dân xã Đại Thanh, Hà Đông (nay là Hà Nội), ngày 12-1-1958. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
(Nguồn Báo Hà Nội mới)