Chung tay hành động chống rác thải nhựa

          Ðể từng bước hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, bên cạnh việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật, thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng cần được tổ chức thường xuyên, liên tục.

          Rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn, ngày càng ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, đe dọa sự phát triển vững của mỗi địa phương, quốc gia, của xã hội và cuộc sống trên trái đất. Phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm thì các chất thải từ nhựa và ni lông mới bị phân hủy. Chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc hại cho môi trường sống. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, uớc tính mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất. Mỗi năm có đến 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra các đại dương. Đến năm 2030 có khoảng 300 triệu tấn rác thải trong đại dương, và có trên 240 loài sinh vật biển bị vướng phải rác thải nhựa hoặc ăn phải rác thải nhựa. Hiện có 05 quốc gia có rác thải nhựa lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Indonexia, Philippin, Việt Nam và Thái Lan, chiếm 55-60% tổng lượng rác thải nhựa ra đại dương.

          Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra ngày một tăng. Nguồn chất thải nhựa phát sinh chủ yếu từ sinh hoạt của các cá nhân, gia đình, doanh nghiệp… Theo báo cáo của Hiệp hội nhựa, chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Bộ TN&MT ước tính, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi nilon/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỉ túi nilon bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".

Chúng ta đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra với 3 định hướng chính sách nổi bật là: Cải thiện môi trường pháp lý; Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường và định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để xử lý, loại bỏ rác thải nhựa nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra chưa được cải thiện nhiều. Mới đây, ngày 9.6, thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động toàn quốc chống rác thải nhựa.

          Trung tâm Hỗ trợ sinh viên - ĐHQGHN hưởng ứng cuộc phát động cùng với đó tuyên truyền rộng rãi tới toàn thể cán bộ, HSSV nội trú hạn chế túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Thời gian qua, các đơn vị trong Trung tâm đã cắt giảm sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo thay vào đó là các chai thuỷ tinh. Việc HSSV hạn chế sử dụng bút bi, ly uống nước dùng một lần,… là những giải pháp mà TT đang hướng dẫn và kêu gọi HSSV hưởng ứng. Nếu thay bút bi bằng bút chì khi viết nháp, làm bài tập, ghi chú thích; thay bút bi nhựa bằng bút bi kim loại có thể thay lõi hoặc bút bi vỏ tre, giấy, gỗ sẽ là giải pháp tốt hơn và bảo vệ môi trường một cách bền vững...

          Vấn đề chống rác thải nhựa không thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn cho nên các hoạt động liên quan cần có những kế hoạch cụ thể, lâu dài để đi sâu vào ý thức, hình thành thói quen tốt ở mỗi cá nhân cùng với đó cần đẩy mạnh tuyên truyền rộng khắp để người dân thấy được tác hại của việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần đối với môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân về lâu dài. 

Nguồn: internet