CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA CÁC HOẠT ĐỘNG LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày nay, bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội, mạng viễn thông mang lại cho cuộc sống con người trong việc kết nối, chia sẻ thông tin thì tội phạm trên mạng xã hội cũng xuất hiện. Theo đánh giá của Bộ Công an, lừa đảo qua hình thức này ngày càng gia tăng.

Hoạt động thông qua một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo điển hình sau:

Mạo danh cán bộ trong các cơ quan tư pháp như: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… gọi điện cho người dân nói rằng họ bị kiện vì nợ tiền, hoặc có liên quan đến vụ án mà cơ quan điều tra đang giải quyết. Sau đó yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cung cấp để điều tra.

Mạo danh các cơ quan chức năng phòng, chống dịch điện thoại lấy lý do hướng dẫn nạn nhân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, qua đó lừa nạn nhân cung cấp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử để đánh cắp thông tin và thực hiện giao dịch lấy cắp tiền trên tài khoản.

Sử dụng tài khoản facebook, zalo,... làm quen, kết bạn, nói sẽ chuyển quà, tiền về Việt Nam nhờ nhận và giữ giùm. Để củng cố niềm tin, các đối tượng gửi ảnh bưu phẩm và các giấy tờ liên quan đến việc chuyển quà, tiền cho bị hại và yêu cầu chuyển phí để nhận.

Giả danh nhân viên của các công ty, tạo ra các website giả và sử dụng mạng xã hội nhắn tin trúng thưởng, yêu cầu người dân phải nộp tiền đóng phí nhận quà. Chúng cũng chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người dùng sau đó nhắn tin cho những người trong danh sách bạn bè của tài khoản đó để nhờ chuyển tiền dùm cho người thân hoặc nhờ mua dùm một số thẻ cào điện thoại di dộng rồi nhắn tin mã số thẻ cào cho đối tượng nạp để chiếm đoạt tài sản.

Mở các trang cá nhân bán hàng online và cài mã độc lên các website để lấy cắp thông tin cá nhân như số điện thoại, thông tin và mật khẩu các tài khoản thư điện tử, mạng xã hội, thông tin và mật khẩu tài khoản ngân hàng....rồi sử dụng những thông tin thu được để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Trong 6 tháng trở lại đây, đã có gần 800 vụ người dân tố giác bị lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội, chiếm đoạt số tiền cả nghìn tỷ đồng. Bộ Công an đưa ra những cảnh báo trước loại tội phạm này

Khi sử dụng internet để tham gia mạng xã hội (facebook, zalo,...) phải thận trọng, tránh để lộ, lọt thông tin cá nhân khi đăng ký, tham gia. Khi chia sẻ thông tin, làm quen, kết bạn trên mạng xã hội nên cảnh giác những tài khoản lạ, tài khoản là người nước ngoài, chủ động kết bạn; không cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền cho người khác khi chưa kiểm tra, xác thực thông tin chính xác của người được nhận, nhất là các trường họp chuyến tiền, nạp thẻ điện thoại, mua bán hàng online trên mạng.

Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. Không được cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thẻ tín dụng,... trong các trường hợp không quen biết đối tượng, nhất là các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin qua điện thoại; trước những thông tin đe dọa, uy hiếp không nên vội vàng chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của các đối tượng mà trao đổi với người thân, bạn bè hoặc thông báo với lực lượng Công an gần nhất để chủ động phòng ngừa, đấu tranh.

Trước các tin tức, tiêu đề “hot”, “hấp dẫn” có biểu hiện giả mạo, không nên truy cập vào xem. Trong trường hợp đã truy cập vào đường link, cần nhanh chóng thay đổi mật khẩu của trang cá nhân để tránh mất tài khoản.

BQL KTXNN sưu tầm