Việc chuyển trụ sở làm việc của Đại học Quốc gia Hà Nội tới Hòa Lạc theo đúng cam kết, từng bước tạo sự thay đổi trong diện mạo của Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội, mở ra một không gian phát triển mới cả về cơ sở vật chất, hoạt động chuyên môn và nguồn nhân lực. |
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn đơn vị, ngày 19/5/2022 vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức chuyển trụ sở làm việc lên Hòa Lạc. THAY ĐỔI CÓ TÍNH BƯỚC NGOẶT Hội thảo mùa hè 2022 với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế được coi như hoạt động “xông đất” khu giảng đường đầu tiên được hoàn thành đưa vào sử dụng chuẩn bị cho sinh viên học tập tại Hòa Lạc từ tháng 9 tới đây của Đại học Quốc gia Hà Nội. Việc chính thức chuyển trụ sở từ nội thành lên Hòa Lạc của Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ là bước đột phá cho những thay đổi của chính đơn vị này mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội khi một khu đô thị đại học mới, hiện đại đang dần được hình thành. Theo lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tập trung thực hiện dứt điểm dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả và tư duy, cách làm mới. Việc triển khai dự án cần theo hướng khu đô thị đại học quốc gia. Điều này phù hợp chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội đang có trụ sở tại các quận trung tâm ra ngoại thành để giải quyết khó khăn, bất cập về không gian và điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật của các đại học, cao đẳng và những ảnh hưởng của hệ thống trường tới sự phát triển chung của Thủ đô. PGS, TS Nguyễn Hiệu, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc gồm 21 dự án thành phần trên diện tích 1.113,7ha, quy mô khoảng 65 nghìn sinh viên. Đến nay một số công trình đã hoàn thành, như một số khu ký túc xá, khu nhà khách, khu giảng đường 35.000m2 xây dựng, phòng làm việc chuyên gia GS, PGS; trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh diện tích 19ha, cuối tháng 12 tới sẽ hoàn thành. Tháng 9/2022, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ hoàn tất điều kiện để đón sinh viên đến học tập. Trong đó, đơn vị ưu tiên nhóm sinh viên tuyển sinh mới vào năm 2022 ở một số lĩnh vực về kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội và kinh tế, luật, có sự phối hợp đào tạo liên ngành, liên đơn vị. Những năm tiếp theo sẽ căn cứ vào diện tích xây mới thực tế để tăng quy mô đào tạo tại Hòa Lạc nhằm giảm sự quá tải tại nội thành Hà Nội. Đại học Quốc gia Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các hạng mục về tổ chức, nhân sự, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu, hợp tác phát triển, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, khu nội trú… và các vấn đề khác cho bước ngoặt thay đổi này. Cùng với các trường thành viên khác, khoảng 500 sinh viên Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ chính thức bước vào năm học mới tại Hòa Lạc vào tháng 9 tới. GS, TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục chia sẻ, trụ sở tại Hòa Lạc trong điều kiện hiện nay chắc chắn là chưa đủ để đào tạo, nghiên cứu... nhưng đó là bước khởi đầu quan trọng. Bởi việc chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội lên Hòa Lạc được bước nào, mừng bước đó vì không gian nội thành Hà Nội rất chật hẹp, bí bách. Kinh nghiệm của người từng làm công tác kiểm định nhiều năm cho thấy để có điều kiện đào tạo tốt, cơ sở đào tạo cần có cơ ngơi, không gian tốt. “Cơ sở vật chất xứng tầm thì mới có được những đại học xứng tầm. Vì vậy, việc lên Hòa Lạc là mong muốn của nhiều thầy, cô giáo” - GS, TS Nguyễn Quý Thanh khẳng định. Cũng theo GS, TS Nguyễn Quý Thanh, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội được khởi động từ khoảng 20 năm trước nhưng rất chậm, cho nên khi chuyển đến Hòa Lạc sẽ không chỉ thúc đẩy bản thân các đơn vị của Đại học Quốc gia Hà Nội phải cố gắng hơn, mà còn thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành liên quan quan tâm đầu tư, tạo cơ chế, chính sách để hoàn thành dự án xứng tầm. XÂY DỰNG ĐẠI HỌC MANG TẦM QUỐC TẾ Những khu giảng đường, khu nghiên cứu, giáo dục an ninh-quốc phòng, thư viện... tại Hòa Lạc đã dần được hoàn thiện góp phần từng bước hình thành khu đô thị đại học tại Hòa Lạc. Trong đó, khu vực tổ hợp giảng đường HT1-HT2 đã được khánh thành. Tổ hợp tòa nhà HT1 với hơn 14.000m2 sàn, gồm ba giảng đường 120 chỗ, 18 phòng học từ 50 đến 80 chỗ, 10 phòng thí nghiệm, 90 phòng làm việc khác. Tổ hợp tòa nhà HT2 với hơn 20.000m2 diện tích sàn với hai giảng đường 120 chỗ, bốn giảng đường 80 chỗ, 22 phòng thí nghiệm, 11 phòng học, khoảng 100 phòng làm việc với công năng khác nhau. Cả hai công trình HT1 và HT2 là giảng đường đầu tiên đã sẵn sàng đón sinh viên tới học tập. Những thay đổi từng ngày khẳng định việc xây dựng, phát triển tại Hòa Lạc đã mở ra một không gian phát triển mới cả về cơ sở vật chất, hoạt động chuyên môn và nguồn nhân lực cho Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, để đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu, hiện nay, trung tâm đã có 200 nghìn đầu sách, tên sách được số hóa phục vụ người đọc truy cập, nghiên cứu trên hệ thống app di động và trên trang web của trung tâm. Năm 2021 lượng tương tác sử dụng tài nguyên số của trung tâm khoảng 31 triệu lượt tìm, xem, tải tài liệu. Trong bảng xếp hạng Webometrics về thư viện số tài liệu nội sinh thì thư viện của Đại học Quốc gia Hà Nội lọt tốp 50 trong tổng số hơn 3.900 thư viện được xếp hạng trên thế giới. Trung tâm Thư viện và Tri thức số TS Nguyễn Hoàng Sơn chia sẻ: Đại học thông minh sẽ được xây dựng trên các tế bào thông minh, trong đó có thư viện. Thư viện thông minh được thể hiện bởi số hóa và số lượng lớn tài liệu; cách thức truy cập, việc tìm kiếm trên các thiết bị thông minh cũng như sự gợi ý sát thực nhu cầu tìm kiếm, truy cập của bạn đọc. Tuy nhiên, chỉ số hóa thôi cũng là chưa đủ. Thư viện còn là nơi có không gian tĩnh tại, thư thái để nghiên cứu, giao lưu về học thuật, tìm kiếm tri thức. Vì vậy, Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được thiết kế kiểu resort với môi trường xanh, sạch, hiện đại, không gian yên tĩnh và đã sẵn sàng đón sinh viên, giảng viên, nhà khoa học đến tra cứu, trao đổi học thuật… Bà Hannah Buxbaum - Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Đại học Indiana (Hoa Kỳ) Tham dự hoạt động hội thảo tại Hòa Lạc, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Đại học Indiana (Hoa Kỳ) Hannah Buxbaum bày tỏ Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc có sự tương đồng với cơ sở Bloomington của Đại học Indiana. Bà mong muốn hai cơ sở có thể kiến tạo nhiều cơ hội hợp tác lâu dài, bền vững và mang lại lợi ích chung cho hai bên trong tương lai, bởi trong quá trình xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế, rất cần thiết phải có sự hỗ trợ, đối sánh của một đại học đồng cấp quốc tế. Với sự hợp tác đó, Đại học Indiana có thể thấu hiểu hơn về bối cảnh vận hành của Đại học Quốc gia Hà Nội để có thể hỗ trợ một cách hiệu quả hơn trong khuôn khổ đổi mới giáo dục đại học. Hiện, Đại học Quốc gia Hà Nội có 8 trường thành viên, 4 trường và khoa trực thuộc, 7 viện nghiên cứu, 2 trung tâm đào tạo và nghiên cứu, 34 nhóm nghiên cứu, 210 phòng thí nghiệm. Nguồn lực con người có: 448 giáo sư, phó giáo sư và 1.478 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học… là nguồn lực to lớn cho phát triển khu đô thị đại học hiện đại. Mục tiêu chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đạt các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; trong đó phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á hoặc nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới. |
Xuân Kỳ, Diệu Thu - Báo Nhân dân |