Top 10 ngành nghề có tỷ lệ việc làm cao nhất hiện nay

Các công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, có thể thay thế bằng tự động hóa, bằng trí thông minh nhân tạo có thể bị mất đi.

Theo các chuyên gia, cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang có những tác động không nhỏ đến thị trường lao động hiện nay.

Các công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, có thể thay thế bằng tự động hóa, bằng trí thông minh nhân tạo có thể bị mất đi. Trong khi đó, những công việc vẫn đòi hỏi trí tuệ của con người, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế sẽ duy trì, thậm chí phát triển hơn.

Tốp các ngành nghề đang có cơ hội việc làm cao

Theo ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm cung ứng nguồn lao động, Bộ GD&ĐT, số liệu thống kê năm 2020 cho thấy, 10 lĩnh vực đào tạo có số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở mức cao gồm: Kinh doanh và quản lý, Sức khỏe, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Kỹ thuật, Khoa học xã hội và hành vi, Kiến trúc và xây dựng, Máy tính và công nghệ thông tin, Pháp luật.

Đây cũng là những lĩnh vực luôn dẫn đầu về số lượng sinh viên tốt nghiệp trong vòng 3 năm trở lại đây (từ 2018-2020).

Trong khi đó, 5 lĩnh vực có số lượng sinh viên tốt nghiệp thấp nhất (thống kê năm 2020) như sau: vị trí thấp nhất là Toán và Thống kê (593 sinh viên); tiếp đến là Thú y (715); Dịch vụ vận tải (1.338); Dịch vụ xã hội (1.624); Nghệ thuật (1.755).

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, top 10 ngành có tỷ lệ việc làm cao nhất năm 2020 và 2021 như sau:

 

Ông Bùi Văn Linh phân tích, dựa trên tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, có thể chia các lĩnh vực đào tạo làm 4 nhóm. Điều này phần nào nói lên xu hướng việc làm hiện nay.

Ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm cung ứng nguồn lao động, Bộ GD&ĐT

Nhóm 1: Các lĩnh vực có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức cao (đạt tỷ lệ trên 85%), bao gồm: Dịch vụ vận tải (89,2%); Nghệ thuật (85,4%); Thú y (85,2%). Điều đặc biệt là số lượng sinh viên tốt nghiệp các lĩnh vực đào tạo thuộc nhóm này rất thấp, chỉ dao động từ vài trăm đến trên một nghìn sinh viên.

Nhóm 2: Các lĩnh vực có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức khá (đạt tỷ lệ từ 75% đến 85%), gồm: Kiến trúc và Xây dựng (79,6%); Sản xuất và Chế biến (79,5%); Toán và Thống kê (77,7%); Sức khỏe (76,7%); Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (75,8); Khoa học sự sống (75,6%).

Nhóm 3: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức trung bình (từ 70 đến dưới 75%) bao gồm hầu hết các lĩnh vực còn lại của top 10 lĩnh vực có số sinh viên tốt nghiệp nhiều nhất như: Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên (74,5%); Nhân văn (74,7%); Kỹ thuật (74,1%); Công nghệ kỹ thuật (73,4%); Máy tính và Công nghệ thông tin (73,6%).

Nhóm 4: là những lĩnh vực có tỷ lệ việc làm ở mức thấp (dưới 70%), bao gồm: Dịch vụ xã hội (56,3%); Môi trường và Bảo vệ môi trường (59,9%); Pháp luật (64,9%); Kinh doanh và Quản lý (68,8%); Khoa học xã hội và Hành vi (69,2%); Kinh doanh và Quản lý (68,8%).

Đề xuất bổ sung danh mục ngành nghề mới

Với riêng người lao động nữ, ThS Phạm Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thông tin, đơn vị đang đề xuất lên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp bổ sung vào danh mục ngành nghề mới một số ngành phù hợp với nhu cầu, xu thế phát triển hiện nay, cũng như phù hợp với lao động nữ.

ThS Phạm Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Những ngành nghề này gồm: kỹ thuật pha chế đồ uống, chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp, công nghệ dưỡng sinh, công nghệ truyền thông, quản trị dịch vụ giải trí và sự kiện,…

Với nghề kỹ thuật pha chế đồ uống, ThS Thanh phân tích, một trong những định hướng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay là tập trung vào phát triển, quảng bá du lịch. Những năm vừa qua, nước ta rất quan tâm quảng bá các dịch vụ du lịch tới bạn bè quốc tế. Trong đó, việc sử dụng nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam để pha chế đồ uống thu hút được nhiều sự yêu thích của khách du lịch khắp nơi trên thế giới; là thuận lợi cho nghề kỹ thuật pha chế đồ uống phát triển.

Nghề chăm sóc sức khỏe hay thẩm mỹ, chăm sóc sức đẹp, công nghệ dưỡng sinh cũng rất phù hợp với đời sống kinh tế xã hội hiện đại. Khi người dân đã "no đủ", nhu cầu làm đẹp hay nhu cầu về chăm sóc sức khỏe rất lớn, đòi hỏi đội ngũ lao động đông đảo để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các nghề liên quan đến công nghệ truyền thông, công nghệ số đặc biệt phù hợp, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng nhiều nội dung, hình thức.

Theo ThS Thanh, không chỉ các bạn trẻ, mà đối tượng lớn tuổi hơn cũng có nhiều cơ hội trong các ngành nghề này khi tỷ lệ người dân ở Việt Nam sử dụng điện thoại, các thiết bị thông minh rất nhiều.

Với nghề quản trị dịch vụ và giải trí, nhu cầu của việc tổ chức sự kiện, tổ chức các hoạt động vui chơi trong xã hội ngày càng cao. Bởi vậy, việc đào tạo đội ngũ lao động đáp ứng được những yêu cầu của nghề này cũng rất quan trọng, phù hợp với sự phát triển của kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, bà Thanh cũng nhấn mạnh, các ngành nghề mới phát triển mạnh không có nghĩa ngành nghề cũ hết "hot". Theo đó, các nghề truyền thống như thủ công mỹ nghệ vẫn rất phù hợp với xã hội hiện đại, gắn với nhu cầu của thị trường du lịch. Thực tế cho thấy, rất nhiều làng nghề hay các cơ sở dệt thổ cẩm, đan lát,… của phụ nữ khắp nơi trên cả nước đang có thị trường tiêu thụ rất tiềm năng.

>>> Nguồn: Báo Dân trí 

 Nguyễn Liên - Nhật Hồng