ĐHQGHN và VNPT phối hợp công tác chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo Việt Nam là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo ĐHQGHN. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực đời sống.

Vừa qua, lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã thảo luận các cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và nền tảng công nghệ, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, đội ngũ giảng viên, giáo viên cả nước, đặc biệt các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa đang tiếp cận công nghệ đào tạo trực tuyến.

Theo đó, các nội dung hợp tác dựa trên thế mạnh và tiềm năng của mỗi bên trong thời gian tới chủ yếu tập trung vào giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tri thức.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân mong muốn hai bên hợp tác chuyển đổi số trong giáo dục

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, với vị thế tiên phong trong hệ thống giáo dục quốc gia cũng như định hướng phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQGHN luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Giám đốc ĐHQGHN bày tỏ mong muốn hai bên phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các địa phương. Bên cạnh đó, ĐHQGHN sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của VNPT (ngắn hạn và dài hạn), đồng thời, ĐHQGHN hỗ trợ tuyển dụng, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho VNPT trong các lĩnh vực theo nhu cầu của Tập đoàn.

Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải

Về nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức, Giám đốc Lê Quân đề xuất, hai bên phối hợp tổ chức nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trên cơ sở nhu cầu của VNPT và thế mạnh của ĐHQGHN như: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu, tự động hóa…

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn

Cùng với đó, VNPT hỗ trợ ĐHQGHN trong việc tổ chức triển khai một số nhiệm vụ, chương trình, đề án khoa học công nghệ quốc gia: Chương trình KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Chương trình KHCN phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, Hệ Tri thức Việt số hóa…

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cũng đưa ra đề xuất VNPT xem xét tài trợ “không gian xanh” tại Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc và thành lập quỹ học bổng VNPT nhằm hỗ trợ sinh viên, nghiên cứu sinh và các công bố quốc tế ở ĐHQGHN.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam Huỳnh Quang Liêm đánh giá cao cơ hội hợp tác giữa hai bên

Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm đánh giá cao cơ hội hợp tác giữa hai bên. Mặc dù giữa ĐHQGHN và VNPT chưa ký kết văn bản hợp tác chính thức nhưng các đơn vị thành viên của ĐHQGHN và của VNPT đã hợp tác tích cực về đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ.

Trên cơ sở các nội dung hợp tác sẵn có, hai bên tiếp tục thảo luận nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác này. Đồng thời phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên để tiếp tục thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách thúc đẩy chuyển đổi số nền giáo dục, y tế quốc gia. Theo đó, VNPT hỗ trợ nền tảng chuyển đổi số còn ĐHQGHN đảm nhiệm về mặt chuyên môn với thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực của các đơn vị đào tạo và nghiên cứu thành viên.

Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp giáo dục điện tử Nguyễn Hồng Nghi chia sẻ về giải pháp giáo dục thông minh và phần mềm VnEdu do VNPT phát triển

Trước mắt, hai bên sẽ phối hợp triển khai bồi dưỡng giáo viên tiểu học, trung học cơ sở để đáp ứng chuẩn chương trình, sách giáo khoa mới. Trong đó, ĐHQGHN đảm bảo về mặt chuyên môn, nhân sự, còn VNPT hỗ trợ về mặt hạ tầng, kỹ thuật, đường truyền, an ninh mạng…

Ngoài ra, hai bên sẽ cùng chia sẻ và hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhân lực kỹ thuật phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học ở ĐHQGHN (hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền, mạng viễn thông…). VNPT cũng sẽ xem xét hỗ trợ chương trình phát triển đại học số, đại học thông minh ở ĐHQGHN.

Mới đây, ĐHQGHN đã xây dựng kênh hỗ trợ dạy học trực tuyến cho giáo viên, phụ huynh và học sinh tiểu học vùng khó khăn, đặc biệt trong đại dịch COVID-19. Dự kiến kênh sẽ được ra mắt vào giữa tháng 9 tới trên nền tảng trực tuyến của ĐHQGHN.

ĐHQGHN hiện có gần 50.000 học viên và gần 500 chương trình đào tạo đại học, sau đại học. Nhiều lĩnh vực VNPT quan tâm là thế mạnh của ĐHQGHN như: công nghệ thông tin, phần mềm, điện tử viễn thông, khoa học dữ liệu, an ninh mạng, quản trị nhân lực, ngoại ngữ, quản trị kinh doanh, marketing, truyền thông…

>>> Các tin tức liên quan:

ĐHQGHN xây dựng kênh hỗ trợ dạy - học trực tuyến bậc tiểu học vùng khó khăn

Dạy – học trực tuyến: “Nắm bắt cơ hội nhưng không vội vàng”

- Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt “Cẩm nang giảng dạy trực tuyến”

- ĐHQGHN chủ động trong ứng dụng công nghệ giảng dạy online

- Phát triển đại học số: cơ hội và thách thức trong thời đại công nghiệp lần thứ 4

Khởi động Đề án “Hệ tri thức Việt số hóa”

 Thiên Hương - VNU Media