Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vô địch

Lịch sử đã chứng minh, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vô địch. Hơn 30 năm đổi mới, không chỉ đem lại về mặt kinh tế mà tạo ra bầu không khí hòa giải trong nước và quốc tế. Thành công cho đến ngày nay là xoay quanh tính chính nghĩa, chính đáng của Việt Nam, đáp ứng được khát vọng của nhân dân và duy trì mối quan hệ đoàn kết.

Việt Nam là đất nước có quá trình lịch sử không giống với bất cứ nước nào trên thế giới. Lập quốc diễn ra tương đối sớm với ý nghĩa phát triển về mặt kinh tế- xã hội. Khi Nhà nước ra đời chưa bao lâu thì đứng trước nguy cơ một mất một còn của dân tộc là độc lập chủ quyền khi chịu hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Đây là hiện tượng có một không hai trong lịch sử vì không dân tộc nào có thể trụ nổi hơn 1.000 năm đô hộ của thế lực, cai trị liên tục với các chính sách đồng hóa nhưng ta lại giành lại được độc lập. Từ lúc giành được độc lập trong thế kỷ 10 đến thế kỷ 20, nguy cơ chủ quyền đất nước bị xâm lấn, đe dọa, không ít các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đã được ta tiến hành để giữ gìn độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Có thể nói không thế kỷ nào người Việt Nam được yên và hoàn cảnh lịch sử đã trui rèn cho người Việt Nam những phẩm chất đặc biệt như ý thức dân tộc rất sâu sắc, kiên cường bất khuất thể hiện trong tất cả mọi lúc mọi nơi. Tương ứng với cộng đồng cư dân là có hệ thống chính quyền chịu trách nhiệm trước dân tộc. 

Sự thành lập và lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản đã thổi vào dân tộc sinh khí mới, nhưng quan trọng là tạo ra mối liên kết rộng rãi, khối đại đoàn kết toàn dân. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, chỉ sau đó ít ngày, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước quốc dân đồng bào và quốc tế biết từ nay trở đi chính quyền này đã được thành lập. Sau đó ngày 6-1-1946 chúng ta tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội, Quốc hội bầu ra Chính phủ. Những sự kiện lớn đó chính là bài học lịch sử sau này trở thành kim chỉ nam cho chính quyền và luôn luôn được phát huy. Trong lúc vô vàn khó khăn như thế nhưng lòng dân luôn hướng về một nơi đó là Đảng, cụ Hồ, Chính phủ. Chính sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc là vô địch, chúng ta giành thắng lợi chính là dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân, khi đáp ứng được khát vọng của nhân dân. Cách mạng Tháng Tám cũng như chính quyền nhân dân còn non trẻ nhưng vẫn đứng vững chính là do khối đại đoàn kết toàn dân. Nhưng để có sự đồng tình phải duy trì được tính chính nghĩa, và người lãnh đạo đã đáp ứng được khát vọng của người dân từ đó tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân. Chính điều đó giúp ta vượt qua được hiểm nghèo và giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ 9 năm sau đó, buộc Pháp phải ký vào hiệp định Giơnevơ. Có điều chúng ta cần làm rõ là Quân đội Viễn chinh Pháp không hề kém, vũ khí sử dụng  hiện đại, dồi dào do được Mỹ hậu thuẫn, tướng lĩnh huy động cho cuộc chiến ở Đông Dương đều là những tướng giỏi nhưng họ vẫn thua. Đây là điều chính họ cũng không giải thích, hình dung được.

Điều thần kỳ nằm ở hai chữ Nhân Dân. Bài học Điện Biên Phủ cho thấy, khi phát huy được sức mạnh toàn dân thì giành được chiến thắng. Sau đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài học lịch sử đã được nâng lên tầm cao mới là phải đáp ứng khát vọng của Nhân dân, và tổ chức để đoàn kết toàn dân, nêu cao ngọn cờ chính nghĩa. 

Nhưng lịch sử cũng có khúc quanh, sau năm 1975, có lẽ không lường hết được những khó khăn của thời kỳ hòa bình là đòi hỏi của dân lúc này là ấm no hạnh phúc khi đã có độc lập, thống nhất. Không đủ cơm ăn, áo mặc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đành rằng lúc đó chúng ta bộn bề trăm công nghìn việc, nhưng có một thực tế là đã không chú ý đúng mức đến phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho dân mà say sưa ca ngợi chiến thắng quá lâu. Gần 10 năm trời chúng ta bận rộn với mít tinh, lễ lạt trong khi kinh tế suy thoái, lạm phát phi mã, hàng hóa thiếu thốn dẫn tới khủng hoảng khiến đời sống nhân dân lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn. Nhưng rất may Đảng đã nhận ra nếu không thay đổi thì việc giữ được thành quả cách mạng là vô cùng khó khăn. Đó chính là động lực để tiến hành công cuộc đổi mới từ sau Đại hội VI năm 1986. Đại hội VI đã đưa ra chủ trương đổi mới, không cấm chợ ngăn sông mà được tự do buôn bán, phát triển kinh tế nhiều thành phần và nhanh chóng mở cửa với thế giới đã xoay chuyển tình hình đất nước.

Cho đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới, rõ ràng ta đã đáp ứng được cho nhân dân, những bức xúc đã được giải tỏa, cuộc sống người dân đã khá hơn vì thế khối đoàn kết toàn dân cũng được tăng cường. Hơn 30 năm đổi mới, không chỉ đem lại về mặt kinh tế mà tạo ra bầu không khí hòa giải trong nước và quốc tế. Cho nên thành công cho đến ngày nay là xoay quanh tính chính nghĩa, chính đáng của Việt Nam, đáp ứng được khát vọng của nhân dân và duy trì mối quan hệ đoàn kết.

Hơn 1.000 năm ngoại bang tìm mọi cách đồng hóa mà không làm được thì không dễ làm cho biến mất được một dân tộc như Việt Nam. Cũng dân tộc ấy đã từng đứng dưới cờ triều Trần làm nên những kỳ tích 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông, một đế chế khiến cả thế giới khiếp đảm, từng đi theo Đảng đánh đuổi Thực dân Pháp hùng mạnh, Đế quốc Mỹ sừng sỏ...

Nhưng như Nguyễn Trãi đã từng ví dân với hình tượng nước, chở thuyền và lật thuyền cũng là do dân. Do vậy phải làm sao để dân thấy chính quyền này thực sự là của dân, do dân và đang vì dân, đúng với bởi bản chất mà chúng ta thường nói. Mọi quyền lực đều là của dân thì chính quyền phải lễ phép, coi trọng nhân dân thì dân mới yêu, dân yêu thì có thể giải quyết được tất cả. 

Ngoài ra còn có sức mạnh vượt lên trên sức mạnh vật chất chính là văn hóa, mà văn hóa gắn với con người. Hiện nay ta chưa chú ý đúng mức đến vai trò của con người ở trong sự phát triển. Trong chiến lược về con người, chiến lược nhân tài là quan trọng, nhân tài là cái hiếm nhất trong mọi thứ quý giá. Nhưng hiếm hơn lại là tài dụng người tài. Chính vì vậy mà giải pháp căn cơ không phải là những quyết định vụn vặt mà phải làm sao tìm ra cơ chế cho nhiều người có tài vào đội ngũ lãnh đạo. Người tài ra giúp nước thì những khó khăn sẽ được đẩy lùi. Đã đến lúc phải có chiến lược về nhân tài, thực sự dùng người tài thì khó khăn bay biến hết. Chúng ta đã trải qua lịch sử, bài học cụ thể đủ cơ sở để có lòng tin. Đảng đã đưa dân tộc ra khỏi màn đêm gần một thế kỷ và đưa dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để đưa dân tộc đến với những bến bờ vinh quang mới nhưng phải lưu ý khát vọng độc lập dân tộc, ý thức độc lập chủ quyền đối với người Việt Nam luôn luôn là cao nhất như lời Cụ Hồ đã nói: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Cho nên trọng dụng nhân tài là vô cùng quan trọng. Trong văn kiện đại hội XII của Đảng đã đưa ra vấn đề đặt lợi ích quốc gia là một nguyên tắc để quyết định mọi việc, lấy đó là hệ quy chiếu. Có Đảng, chính quyền thể hiện sự nghiệp của mình, mọi nỗ lực vì độc lập của dân tộc, vì quyền lợi của quốc gia, vì hạnh phúc của nhân dân thì lòng tin sẽ được củng cố và tệ cực đoan dần dần sẽ ít đi.

 GS.TSKH Vũ Minh Giang