|
||
Nhiều năm nay, cứ vào những ngày cuối tháng 4, nhóm sinh viên có tên “CSSV 6971” của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa lại gặp nhau để ôn kỷ niệm cũ, thăm đồng đội và chiến trường xưa. Họ là những cựu chiến binh, là sinh viên chiến sĩ, cùng lên đường theo lệnh tổng động viên chi viện cho miền Nam ruột thịt vào ngày 6/9/1971. Hồi tưởng ngày ấy, ký ức lại ùa về trong tâm trí của PGS.TS Phạm Thành Hưng. Vị giáo sư nay đã ở tuổi 70 tuổi, bồi hồi kể lại: “52 năm trước, ngày 6/9/1971, ở sân trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), lứa chúng tôi gần 400 cán bộ, giảng viên, sinh viên của 8 khoa đã chia tay, tiễn biệt bạn bè, thầy cô để "xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Tôi không thể quên hình ảnh thầy hiệu trưởng GS Ngụy Như Kon Tum trao cờ cho đoàn quân chiến sĩ sinh viên và phút giây ứa trào nước mắt khi những chuyến xe ra đi, tay trong tay nắm chặt đầy lưu luyến. Nhiều người mới là sinh viên năm thứ nhất, người chưa kịp có người yêu, người sắp tốt nghiệp cũng có người chuẩn bị đi tu nghiệp ở nước ngoài…”. Lặng đi một lát, PGS Phạm Thành Hưng kể tiếp, năm 1970, nhiều trường đại học trở về Hà Nội sau những năm tạm sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom. Thời gian này, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam tăng lên. Từ năm 1970 - 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, hình thành nên một thế hệ chiến sĩ sinh viên, “xếp bút nghiên” ra trận. Nhập ngũ đông nhất là sinh viên các trường Bách Khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng, Kinh tế kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân). Trong buổi xuất quân hôm đó, Phạm Thành Hưng, cậu sinh viên khoa Văn - K15 của Đại học Tổng hợp còn ngượng nghịu khi bị bạn bè tinh nghịch gọi là “chú bộ đội”. "Khoảnh khắc biết mình thực sự rời xa mái trường, xa Thủ đô, chúng tôi đều xúc động, ai nấy mắt đỏ hoe. Bởi chúng tôi biết, ra đi là không hẹn ngày về. Thời sinh viên mơ mộng, ai mà không tiếc khi xa giảng đường với thầy cô, bạn bè yêu dấu. Miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng là lúc chúng tôi đã vĩnh viễn mất đi 104 sinh viên, giảng viên. Họ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường và mãi mãi không về, trong đó có bạn Nguyễn Chí Thành hy sinh ngày 20/8/1972 tại chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị”, thầy giáo Hưng nghẹn ngào xúc động. Là một trong những sinh viên Đại học Tổng hợp lên đường mùa thu năm 1971, ông Nguyễn Xuân Trường cũng không giấu nổi giọt nước mắt khi nhớ lại trung tuần tháng 8/1971, miền Bắc phải hứng chịu trận lũ lụt lịch sử. Nhiều cánh đồng ngập tràn nước. Đê sông Hồng bị vỡ. Sông Cầu, sông Thương cùng chung số phận. Nhận được giấy báo nhập ngũ, khi đó, cậu thanh niên Trường chỉ nói với bố mẹ là ra Hà Nội. “Ngày 5/9/1971, tôi đi bộ men theo bờ đê, qua đoạn vỡ thì đi đò. Đi từ Hà Bắc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mới tới cầu Long Biên. Đêm đó, chúng tôi thức trắng trên sân thượng giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sáng 6/9, trong lễ nhập ngũ, thầy hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum dặn dò, động viên, ôm chặt từng người. Thầy hứa, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhà trường sẽ đón các em về tiếp tục học…”, ông Trường nhớ lại. Lứa sinh viên Hà Nội nhập ngũ năm 1971 đều được huấn luyện ở Yên Thế, Quế Võ, Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang. Cuối tháng 2, đầu tháng 3/1972, từ ga Sen Hồ (Bắc Giang), họ lần lượt vào Nam chiến đấu tại các chiến trường Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên… để đi đến ngày đất nước toàn thắng 30/4/1975. Ông Phạm Hải Triều vốn là sinh viên năm thứ 2 khoa Văn - K14, nay là cán bộ của Học viện Chính trị Khu vực 1, một trong hàng ngàn sinh viên Thủ đô tòng quân năm 1971, được biên chế tại Tiểu đội 7, Đại đội 14, Sư đoàn 325. Kể lại quãng đời lính của mình, ông Triều bảo, thứ mà ông “lãi” nhất trong cuộc đời này đó là được tham gia vào chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và được vào Đảng trong quân ngũ. Những năm tháng thanh xuân ý nghĩa và đầy tự hào ở chiến trường đã tôi rèn cho ông trở thành một con người khác. “Hồi đi học, tôi rất nghịch ngợm, suýt không được vào Đoàn. Vậy mà không ai ngờ, tôi được kết nạp Đảng trong quân ngũ”, người lính già cười vui nhưng rồi ngay sau đó, giọng ông trùng xuống, nặng trĩu: “Còn bao đồng đội chôn vùi nơi đâu / Trong rừng thẳm, dưới rừng sâu / Mùa hè đỏ lửa còn đau đến giờ…”. Ông Triều kể, lứa sinh viên, trí thức ra trận thời kỳ ấy có liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc tài năng, hào hoa, cùng bao người khác đã vĩnh viễn nằm lại tại thành cổ Quảng Trị mà chưa kịp chứng kiến ngày đất nước toàn thắng. Là trinh sát pháo binh, ông Triều cũng “chết hụt” 3 lần ở cao điểm 132. “Hồi ấy, ra trận là sự sống nằm trên đầu ngọn súng. Có lần, một đồng chí trong tiểu đội hy sinh, tôi và tiểu đội trưởng phải lên hầm kiểm tra tư trang của anh ấy để đóng gói về cho gia đình. Trong ba lô, có mấy lá thư còn chưa kịp gửi cho người yêu. Lúc sống, anh ấy hay viết nháp để gửi cho tôi xem trước. Tôi được đồng đội khen “văn hay chữ tốt”, thường được anh nhờ viết ở ngoài phong bì. Thư chưa kịp gửi thì anh hy sinh. Khi chúng tôi vừa kiểm tra xong chừng 1 phút, một quả pháo nổ ngay bên cạnh, tiểu đội trưởng của tôi hy sinh tại chỗ, còn tôi may mắn sống sót. Anh ấy và hàng triệu người lính khác đã ngã xuống để chúng tôi có ngày trở về hôm nay”. Kể đến đây, người lính già nấc nghẹn: “Phải bao nhiêu máu trong lòng đất / Mới có hôm nay được thế này…”. Gác lại đèn sách, chia tay giảng đường, một thế hệ sinh viên trẻ lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Hành trang họ mang theo là chiếc ba lô, là tuổi trẻ, là ước nguyện còn dở dang nhưng trên hết, họ mang theo tình yêu với Tổ quốc. Chính tình yêu ấy đã thúc giục những người lính trẻ lao lên phía trước, đạp bằng mọi gian nan, hiểm nguy, cống hiến và hy sinh, sẵn sàng ngã xuống để giữ lấy từng tấc đất mẹ bằng máu xương của mình. Trong số người may mắn còn trở về sau buổi chia tay sáng mùa thu năm 1971 có ông Võ Quang Minh, sinh viên khoa Toán - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau nhập ngũ, ông Minh được biên chế về Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Tháng 7/1972, ông tham gia chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Sau đó, Trung đoàn được tăng cường giải phóng Huế, Đà Nẵng và tiến vào Sài Gòn nên ông Minh có dịp chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của Sài Gòn trưa 30/4/1975. “Trận cuối cùng, chúng tôi đánh ở bến phà Cát Lái, đến 12 giờ trưa mới tiến vào đến Dinh Độc Lập. Đó là khoảnh khắc tôi không bao giờ quên trong cuộc đời này. Những người lính chúng tôi nhẹ nhõm như trút được tảng đá đè nặng ngực mình suốt bao năm. Độc lập rồi, hòa bình rồi, được về nhà rồi… Sung sướng đến trào nước mắt. Đồng bào ùa ra vẫy chào. Xác xe tăng, súng ống trên đường ngổn ngang. Rồi từng đoàn xe tăng quân ta tiến vào Chợ Lớn, vòng quanh Sài Gòn. Ai cũng hồ hởi, reo vui: “Được về rồi, về với mẹ thôi… Cảm xúc ấy vô cùng khó tả”, ông kể. Nhắc nhớ về các đồng đội đã ngã xuống, những cựu sinh viên 6971 ai nấy đều bùi ngùi, xúc động. Không ai muốn làm bạn với chiến tranh, cũng không người lính nào muốn cầm súng. Lứa sinh viên Thủ đô ngày ấy đang cầm bút, phơi phới, tràn ngập ước mơ nhưng vì đất nước, họ buộc phải lên đường ra trận. Trong số hàng ngàn sinh viên để lại sau lưng giảng đường, sách vở năm ấy, có người xuất ngũ trở về lại tiếp tục học tập dưới mái trường như PGS Phạm Thành Hưng, ông Võ Quang Minh… Cũng có nhiều người ở lại quân ngũ, nhiều chàng trai trẻ đã anh dũng hy sinh chỉ trước giờ chính quyền ngụy quyền tuyên bố đầu hàng ít phút. Ai may mắn sống sót trở về thì thương tật hoặc bị di chứng chiến tranh, đến giấc ngủ cũng không tròn bởi ám ảnh đạn bom. Họ - những sinh viên Hà Nội đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cho đất nước trọn niềm vui. “Có trong gian lao, chứng kiến sự hy sinh, mất mát mới hiểu được giá trị của hòa bình hôm nay. Từng tấc đất này đã được đổi bằng xương thịt, bằng máu của triệu triệu người. Tôi mong sao, thế hệ ngày nay không quên điều đó và luôn khắc sâu, trân trọng quá khứ của cha anh để giữ trọn hòa bình. Chúng tôi - các chiến sĩ sinh viên 6971 luôn tự hào vì tuổi đôi mươi đẹp đẽ và oai hùng”, ông Võ Quang Minh bày tỏ.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ và Pháp luật |
||
Báo Tuổi trẻ và Pháp luật |