Những điều cần biết về tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của ĐHQGHN

1. Đối tượng tuyển sinh

- Người đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương;

- Người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa bậc THPT theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là tốt nghiệp THPT);

- Có đủ thông tin cá nhân, hồ sơ dự tuyển theo quy định; Đạt các yêu cầu sơ tuyển, nếu đăng kí xét tuyển (ĐKXT) hoặc dự thi vào các trường/khoa có quy định sơ tuyển;

- Có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định hiện hành.

2. Phạm vi tuyển sinh

ĐHQGHN tuyển sinh trên cả nước và quốc tế.

3. Phương thức tuyển sinh

3.1. Xét tuyển Đợt 1:

(1) Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Quy định đặc thù, Hướng dẫn tuyển sinh của ĐHQGHN;

(2) Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo tổ hợp các môn thi/bài thi tương ứng được quy định cụ thể trong Đề án tuyển sinh của Nhà trường;

 (3) Xét tuyển theo các phương thức khác:

- Xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐHQGHN tổ chức năm 2022, các chứng chỉ quốc tế (SAT, A-Level, ACT, IELTS hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương – có trong danh mục quy định của ĐHQGHN);

- Xét hồ sơ năng lực (kết quả học tập bậc THPT, phỏng vấn, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 hoặc thí sinh có bằng tú tài quốc tế) đối với một số đơn vị đào tạo đặc thù có hợp tác quốc tế và/hoặc chương trình dạy bằng tiếng Anh;

- Xét tuyển thí sinh là người nước ngoài đáp ứng các yêu cầu theo quy định của ĐHQGHN và Bộ GDĐT (Quy định về việc thu hút và quản lý sinh viên quốc tế tại ĐHQGHN ban hành kèm theo Quyết định số 4848/QĐ-ĐHQGHN ngày 18/12/2017 của ĐHQGHN; Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT ngày 24/12/2018 của Bộ GDĐT).

3.2. Xét tuyển đợt bổ sung (nếu còn chỉ tiêu)

Xét tuyển như Đợt 1, quy định cụ thể xét tuyển của từng ngành học tương ứng  được công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN và đơn vị đào tạo (nếu có).

Đối với các chương trình đào tạo (CTĐT) Tài năng, Chuẩn quốc tế, Chất lượng cao: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 hoặc từ các nguồn tuyển khác theo yêu cầu riêng của từng ngành/CTĐT (sẽ được công bố chi tiết trong Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2022 của đơn vị)Sau khi trúng tuyển vào các đơn vị đào tạo, thí sinh có nguyện vọng theo học các CTĐT Tài năng, Chuẩn quốc tế, Chất lượng cao phải đạt điểm trúng tuyển vào ngành/CTĐT tương ứng kể trên theo tổ hợp xét tuyển tương ứng và phải đảm bảo điều kiện ngoại ngữ đầu vào (kết quả môn Ngoại ngữ của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt tối thiểu 6.0 điểm (theo thang điểm 10) hoặc kết quả học tập từng kỳ (6 học kỳ) môn Ngoại ngữ bậc THPT đạt tối thiểu 7.0 điểm hoặc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành). Điểm đăng ký dự tuyển vào các CTĐT này do các HĐTS quy định nhưng tối thiểu bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển vào ngành/CTĐT chuẩn tương ứng.

4. Chỉ tiêu tuyển sinh

Đại học Quốc gia Hà Nội: 13.150 chỉ tiêu

4.1. Các trường đại học thành viên

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên: 1.650 chỉ tiêu

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn: 1.680 chỉ tiêu

Trường ĐH Ngoại ngữ: 1.600 chỉ tiêu

Trường ĐH Công nghệ: 1.680 chỉ tiêu

Trường ĐH Kinh tế: 1.800 chỉ tiêu

Trường ĐH Giáo dục: 1.000 chỉ tiêu

Trường ĐH Việt Nhật: 260 chỉ tiêu

Trường ĐH Y Dược: 550 chỉ tiêu

4.2. Các trường, khoa trực thuộc

Trường Quốc tế: 1400 chỉ tiêu

Trường Quản trị và Kinh doanh: 380 chỉ tiêu

Khoa Luật: 750 chỉ tiêu

Khoa Các Khoa học liên ngành: 400 chỉ tiêu

>>> Quy chế đào tạo tại ĐHQGHN

>>> Quy chế công tác sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội

 VNU Media