Thời gian vừa qua, có nhiều doanh nghiệp, tổ chức thực hiện kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ theo phương thức đa cấp không phép và đối tượng mà tổ chức này hướng đến là sinh viên nội trú hoặc bà con ở các vùng quê. Do đó, để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các dạng bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho sinh viên ĐHQGHN nội trú, ngày 15/12/2022, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên ĐHQGHN đã phối hợp với Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam tổ chức. |
Chương trình diễn ra tại ký túc xá Mễ Trì thuộc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên - ĐHQGHN với sự tham gia của Ông Phạm Văn Cao - Phó Trưởng phòng Điều tra & xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, Bộ Công thương; Ông Nguyễn Phương Sơn - Trưởng ban Đối ngoại & Truyền thông, Hiệp hội BHĐC Việt Nam; Ông Nguyễn Phan Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam, Đại diện lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, Ban quản lý KTX Mễ Trì cùng hàng nghìn sinh viên nội trú. Tham gia chương trình, sinh viên đã được lắng nghe đại diện của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) chia sẻ kiến thức cơ bản về khái niệm bán hàng đa cấp, cách nhận diện bán hàng đa cấp bất chính và các vấn đề về kinh doanh đa cấp không phép. Cùng với đó, sinh viên cũng lần đầu được lắng nghe từ đại diện Bộ Công thương những rủi ro tiềm ẩn mà sinh viên có thể gặp phải khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, kinh doanh đa cấp không cấp phép. Bán hàng đa cấp là một trong những loại hình bán hàng trực tiếp, đã có lịch sử hơn 60 năm trên thế giới với doanh thu trung bình năm trong giai đoạn gần đây đạt khoảng 170 đến 180 tỷ USD. Tại Việt Nam, bán hàng đa cấp xuất hiện từ đầu những năm 2000 và chính thức được pháp luật điều chỉnh từ năm 2004. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đến nay, bán hàng đa cấp đã trở thành ngành công nghiệp có doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, thu hút được đông đảo nguồn lao động trẻ tham gia. Với các nội dung của chương trình là phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp đối với người tiêu dùng; các thông tin chính thống về bán hàng đa cấp và dấu hiệu nhận diện hành vi đa cấp bất chính. Chương trình cũng nâng cao nhận thức của sinh viên đại học, người tiêu dùng trẻ và cộng đồng xã hội về các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chương trình khuyến khích sinh viên và người tiêu dùng trẻ tiếp cận thông tin pháp lý cập nhật về bán hàng đa cấp và bảo vệ người tiêu dùng: các quy định của doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi người tham gia và người tiêu dùng sản phẩm bán hàng đa cấp; Quy trình về kiến nghị, khiếu nại các trường hợp sai phạm liên quan đến bán hàng đa cấp. Hệ thống tiếp nhận, tư vấn, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng đặt tại Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) và Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Bộ Công thương (Tổng đài 1800.6838). “Người tiêu dùng không nên mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay tranh chấp dân sự khác liên quan”. Trần Thị Huế, khoa Sinh học, khóa QH 2020, trường ĐH KHTN, nội trú tại phòng116C1, KTX Mễ Trì cùng như tâm trạng chung của nhiều sinh viên nội trú cho biết: hầu hết các sinh viên nội trú đều từ miền quê lên thành phố, vậy nên còn nhiều điều bỡ ngỡ và cũng là đối tượng để nhiều kẻ xấu lợi dụng. Việc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến như thế này giúp sinh viên nội trú nhận biết những cám dỗ và sự nguy hiểm khôn lường của bán hàng đa cấp trái phép, những lời khuyên bổ ích để sinh viên tránh được sai phạm khi tham gia các tổ chức bán hàng đa cấp bất chính.
Chương trình đã mang lại nhiều kiến thức ý nghĩa và cần thiết cho sinh viên trong xu thế hiện nay. Hy vọng thông qua những thông tin được tuyên truyền, bổ phiến sẽ phần nào giúp sinh viên tránh được những tổ chức bán hàng đa cấp trái phép. Sinh viên tham gia chương trình còn được bốc thăm trúng thưởng, nhiều phần quà giá trị và ý nghĩa đã được trao cho 30 sinh viên nội trú may mắn, trong đó có 20 điện thoại Vsmart Yoy4 và 10 phần quà chúc mừng năm mới từ Ban tổ chức. |
Phương Anh - VNU Media |