25 NĂM ĐHQGHN VÀ SỰ NGHIỆP KHOA GIÁO HƯNG QUỐC

Phát biểu của GĐ ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2018
                                                        Kính thưa các đc lãnh đạo các bộ ngành, thưa các vị khách quý

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ nhân viên cùng toàn thể các bạn học viên, sinh viên

Hôm nay chúng ta có mặt tại đây, để cùng nhau mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Ngày Nhà giáo năm nay có thêm ý nghĩa đặt biệt, vì thời điểm này cách đây 25 năm, ĐHQGHN đã chính thức được thành lập. Xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý, các quý vị đại biểu, cách thầy giáo cô giáo, các cán bộ nhân viên và các bạn sinh viên có mặt tại buổi lễ ngày hôm nay.

Kính thưa các quý vị  

Truyền thống đại học của VN đã được bắt đầu từ thế kỷ XI, khi Lý Thánh Tông cho xây nhà Thái học, đào tạo trí thức bậc cao và nuôi dưỡng nhân tài. Truyền thống đại học đó luôn được duy trì và tiếp nối cho tới tận đầu thế kỷ XX.

Năm 1906, người Pháp đã cho lập ĐH Đông Dương tại Hà Nội mà trụ sở chính tại số 19 phố Lê Thánh Tông. Dẫu là với mục đích nào đi nữa, ĐHĐD cũng dã là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của nền giáo dục Pháp Việt, góp phần quan trọng đào tạo nên tầng lớp trí thức mới cho các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam. Nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị, xã hội, quân sự, của Việt Nam thế kỷ XX đã trưởng thành từ ĐHĐD. ĐHĐD là mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực đầu tiên của Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Tiếp nối truyền thống của ĐHĐD, Đại học Việt Nam, rồi Đai học Tổng Hợp Hà Nội, nền khoa học hiện đại, cơ bản, chuyên sâu luôn được tiếp nối, truyền thừa và không ngừng phát triển.

Bước vào đầu thập kỷ 90, trước nhu cầu đổi mới nền giáo dục của đất nước, hội nhập quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, một mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, tự chủ cao có khả năng tiên phong dẫn dắt hệ thống đại học, thực hiện các nhiệm vụ lớn của quốc gia là mục tiêu mà Đảng và Chính phủ VN hướng tới. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo nổi tiếng với tư tưởng cải cách của Việt Nam lúc bấy giờ đã thể hiện quyết tâm và trực tiếp chỉ đạo thành lập ĐHQG. Và ngày 10/12/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định thành lập ĐHQGHN. Sự ra đời của ĐHQGHN không chỉ đơn thuần là việc sáp nhập và sắp xếp cơ học của 3 trường đại học lớn lúc đó là: Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội I và Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, mà là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ VN trong việc cấu trúc lại mô hình đại học với kỳ vọng mô hình ĐHQGHN sẽ là giải pháp đột phá cho cho sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, đồng thời kỳ vọng ĐHQGHN sẽ  là cú hích cho phát triển, tạo ra hiệu quả đầu tư trong giáo dục, trong điều kiện khả năng tài chính và các nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp.

Kính thưa các quý vị đại biểu và các vị khách quý!

Suốt ¼ thế kỷ vừa qua, ĐHQGHN luôn giữ bản lĩnh, kiên trì phấn đấu cho một định hướng đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao nhất. Đó là 25 năm triển khai nhiều ý tưởng lớn về giáo dục đại học VN, là 25 năm vượt qua thử thách, thử nghiệm cho con đường tự chủ đại học, là sự khẳng định của mô hình đại học nghiên cứu tích hợp, là 25 năm phát triển, đổi mới, hội nhập và khẳng định vị thế của giáo dục VN trên trường quốc tế. Một trong những sứ mệnh quan trọng hàng đầu của ĐHQGHN là phát hiện, ươm trồng và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước từ cấp học phổ thông tới sau đại học. Đây là nơi vun đắp và đào tạo các tài năng, là nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, là nơi nghiên cứu và đào tạo những lĩnh vực mới, thí điểm, đào tạo liên ngành, liên lĩnh vực... Bên cạnh đó, ĐHQGHN là đơn vị tích cực trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước và chính phủ; là trung tâm đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực khoa học cơ bản, mũi nhọn hàng đầu cả nước. ĐHQGHN đã từng bước bồi dưỡng rèn luyện nhiều thế hệ các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, rất nhiều các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học có uy tín đã và đang thể hiện vai trò quan trọng và đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhiều cơ sở, tổ chức giáo dục đại học trong nước và quốc tế. Mặt khác, ĐHQGHN đang làm tốt vai trò phát triển các khoa học mới, khoa học liên ngành, liên lĩnh vực, tích hợp. 25 năm qua, hàng chục nhà khoa học của ĐHQGHN đã được nhận các giải thưởng khoa học lớn của quốc tế và của Đảng và Nhà nước như giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước. Suốt 25 năm qua, các bạn học sinh, sinh viên đã đem về hàng trăm huân huy chương các loại trong các cuộc thi trong nước và quốc tế. Hiện nay Trung bình mỗi nămcác nhà khoa học của ĐHQGHN công bố hơn một nghìn bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và gần 400 công trình quốc tế thuộc hệ thống ISI và SCOPUS. Với uy tín của một trung tâm khoa học hàng đầu cả nước, ĐHQGHN luôn là đầu mối tin cậy để Chính phủ giao trọng trách giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ lớn trọng điểm của quốc gia như: Chương trình KH&CN cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam... Trong suốt thời gian một phần tư thế kỷ vừa qua, những thí điểm về mô hình đại học tự chủ, về quản trị đại học của ĐHQGHN đã được đưa vào chính thức trong các bộ luật và chính sách giáo dục và khoa học công nghệ của đất nước. Nhiều đổi mới và thí điểm của ĐHQGHN đã được nhân ra toàn ngành, như hoạt động kiểm định và đảm bảo chất lượng, khoa học đo lường đánh giá trong giáo dục, đặt biệt gần đây là việc đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực do ĐHQGHN đề xướng đã được áp dụng cho phạm vi cả nước.   

Sau 25 năm xây dựng và trưởng thành, hiện nay quy mô và tầm vóc của ĐHQGHN đã lớn mạnh hơn bao giờ hết. Hiện ĐHQGHN có 35 đơn vị đầu mối, với trên 4000 cán bộ, trong đó giảng viên, đào tạo trên 300 chương trình đào tạo các loại, quy mô sinh viên từ TTPT tới SĐH lên đến trên 45.000 Sinh viên.

25 năm qua, ĐHQGHN luôn không ngừng khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế. Thương hiệu ĐHQGHN đã được bạn bè khắp năm châu biết tới. ĐHQGHN dần trở thành thành viên cốt cán có tiếng nói chủ chốt của nhiều hệ thống, nhiều mạng lưới các trường đại học lớn trên thế giới, hệ thống các trường đại học khu vực Châu Á Thái Bình Dương, khu vực Đông Á, Đông Nam Á và trên toàn thế giới.

Uy tín và danh tiếng của ĐHQGHN tiếp tục được khẳng định khi vị trí của chúng ta trên bảng xếp hạng các trường đại học danh tiếng thế giới không ngừng gia tăng. Tháng 6/2018, lần đầu tiên, ĐHQGHN là một trong hai trường đại học duy nhất của Việt Nam lọt top 1000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng QS. Tiếp đó, tháng 10/2018, ĐHQGHN đã vươn lên vị trí 124 trên bảng xếp hạng QS Châu Á năm 2019, tăng 15 bậc so với vị trí 139 của năm 2018. Có thể nói thế giới biết đến Việt nam và giáo dục Việt Nam chủ yếu thông qua một số đại học lớn, trong đó, tiêu biểu là ĐHQGHN. Những kết quả trên cho thấy tầm nhìn và chủ trương đầu tư của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với ĐHQG nói chung và ĐHQGHN là hết sức sát hợp, đúng đắn, hiệu quả.

Kính thưa các quý vị  

Qua 25 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, VNU đã khẳng định được vị thế của mình trong nước và trên trường quốc tế. Một vị thế trưởng thành với thương hiệu rất đáng tự hào. Những gì ĐHQGHN đạt được ngày hôm nay là kết quả của tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chính phủ; là bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết và quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, các nhà khoa học, thầy cô giáo và học viên, sinh viên của ĐHQGHN qua nhiều thời kỳ khác nhau.  

Những thành quả đạt được không chỉ đem đến cho chúng ta sự tự tin, mà còn khiến cho chúng ta phải suy nghĩ tiếp về tinh thần khoa học, trách nhiệm và sứ mệnh của một đại học lớn. Trước mắt chúng ta khó khăn thách thức vẫn còn lớn và nhiều. Khó khăn lớn nhất là điểm nghẽn về cơ sở vật chất, tốc độ xây dựng cơ sở mới tại Hòa Lạc rất chậm đã cản trở tốc độ phát triển của chúng ta rất nhiều. Khó khăn vì các cơ chế chính sách vẫn còn chồng chéo và nhiều điểm còn chưa hợp lý, khó khăn do nhiều bộ phận trong xã hội vẫn hoài nghi về cả mô hình ĐHQGHN, sự đầu tư và sự phát triển của ĐHQGHN. Nhưng khó khăn lớn nhất có lẽ vẫn là khó khăn thách thức nằm ngay chính chúng ta, là thách thức vượt lên chính mình để phát triển.

Trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ tiếp tục kiên trì con đường phát triển đã lựa chọn, kiên trì và nhất quán với định hướng chiến lược của mình. ĐHQGHN xác định tiếp tục kiên trì đổi mới sáng tạo, lấy việc phát hiện bồi dưỡng và phát triển nhân tài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, đào tạo các lĩnh vực mới, liên ngành, tích hợp, phát huy truyền thống đào tạo khoa học cơ bản, kết hợp khoa học cơ bản với khoa học ứng dụng, phát triển các lĩnh vực mới trong ĐHQGHN như: Y dược, hàng không vũ trụ, nông nghiệp, công nghệ vật liệu tiên tiến.ĐHQGHN tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tiếp tục hoàn thiện mô hình quản trị đại học, xây dựng một đại học thông minh, một đại học xanh đẹp đẳng cấp. ĐHQGHN đã và đang phấn đấu theo chuẩn tiên tiến quốc tế cho mọi mặt hoạt động. ĐHQGHN tiếp tục thiết lập và triển khai những nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn, có tầm vóc xứng với sứ mệnh, tên tuổi và điều kiện của mình.

Trước mắt chúng ta, khó khăn thử thách còn rất nhiều. ĐHQGHN đã kiên trì với sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất tại Hoà Lạc trong nhiều năm qua và sẽ quyết tâm đầu tư mọi nguồn lực trong khả năng có thể, không tiếc công tiếc sức để thực hiện thành công nhiệm vụ này trong thời gian sắp tới. Khi nút thắt về xây dựng cơ sở vật chất của ĐHQGHN tại Hoà Lạc được Đảng, Chính phủ cùng các bộ ngành sớm quan tâm, hỗ trợ và giải quyết, một ĐHQGHN xanh, hiện đại, thông minh, vận hành theo chuẩn của các đại học trên thế giới sẽ dần được hình thành. Lúc đó, nội lực phát triển của một đại học lớn của quốc gia bị cản trở bấy lâu nay sẽ được giải phóng, các khó khăn thử thách sẽ dần bị hoá giải và ĐHQGHN sẽ vươn tầm để sánh vai với các đại học đẳng cấp trên thế giới.

Kính thưa các quý vị đại biểu và các vị khách quý và các thầy cô giáo và các em sinh viên

Nhà giáo, giáo chức và làm công việc hỗ trợ, phục vụ trong lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực nghề nghiệp cao quý. Sự cao quý ấy do tính chất nghề nghiệp tạo ra, nhưng nó cũng được tạo ra từ sự lao động, sự sáng tạo, tình yêu nghề, sự hy sinh và tình yêu thương đối với người học. Làm giảng viên đại học, làm cho xứng với tên gọi đó đã khó, làm giảng viên của một đại học hàng đầu đất nước, một đại học nghiên cứu tự nhiệm gánh sứ mệnh tiên phong cho giáo dục nước nhà, khát vọng trở thành một trong số đại học đỉnh cao của thế giới còn khó hơn gấp nhiều lần. Làm giảng viên của ĐHQGHN trước những đòi hỏi của sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của sự triển khai sâu rộng của cách mạng công nghiệp mới, của những thách thức của cuộc sống đời thường trong xã hội đang chuyển đổi và phát triển lại thêm phần khó hơn. Kính mong các thầy các cô, các nhà khoa học và các nhân viên trong toàn ĐHQGHN, tiếp tục cố gắng phấn đấu, không ngừng đổi mới sáng tạo, từng ngày từng giờ tự vượt lên chính mình, cùng đồng nghiệp chia sẻ và cùng phát triển, đoàn kết nhất trí, xây dựng môi trường tự do học thuật và môi trường sáng tạo. Chỉ có một con đường duy nhất, con đường ngắn nhất, con đường vẻ vang nhất để chúng ta trưởng thành, đó là bằng nghiên cứu khoa học và đào tạo, tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách, vấn đề khó, vấn đề nóng, vấn đề lớn của quốc gia dân tộc, của con người nói chung. Chúng ta, ĐHQGHN, bằng con đường khoa học công nghệ và giáo dục, góp phần tích cực vào sự nghiệp khoa giáo hưng quốc.

Hôm nay, nhiều nhà khoa học, cán bộ của ĐHQGHN được nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, xin nhiệt liệt chúc mừng các thầy, các cô. Xin chúc mừng và cảm ơn các cán bộ được nhận Kỷ niệm chương vì sự phát triển của ĐHQGHN.

Kính thưa các quý vị, nhân sự kiện đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa này, thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, tôi xin bày tỏ sự tri ân đối với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Tri ân những người, những tên tuổi gắn liền với lịch sử của ĐHQGHN, đó là Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng nhà nước khác. Chúng ta ghi nhớ công lao của GS.VS Nguyễn Văn Đạo, người tâm huyết và có nhiều đóng góp với sự phát triển của ĐHQGHN, cảm ơn những người lãnh đạo ĐHQGHN các thời kỳ như GS Đào Trọng Thi, GS Mai Trọng Nhuận, GS Phùng Xuân Nhạ, cùng những nhà lãnh đạo và cán bộ ĐHQGHN qua các thời kỳ. Xin trân trọng cảm ơn các cơ quan Bộ, Ngành, Đoàn thể đã quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để ĐHQGHN phát triển và hợp tác, hỗ trợ chúng tôi trong công việc; cảm ơn lãnh đạo TP Hà Nội, các cơ quan hữu quan đã hợp tác và hỗ trợ tích cực hiệu quả; cảm ơn các đối tác trong và ngoài nước đã hợp tác tích cực trong thời gian qua. Cảm ơn các cựu học sinh sinh viên của Đại học Tổng hợp trước đây và ĐHQGHN ngày nay đã dành tình cảm quan tâm và hỗ trợ cho nhà trường. Lãnh đạo ĐHQGHN xin ghi nhận những đóng góp của toàn thể cán bộ nhân viên của ĐHQGHN trong suốt một phần tư thế kỷ vừa qua. Cảm ơn các bạn học viên sau đại học, sinh viên và học sinh đã phấn đấu trưởng thành và là lực lượng quan trọng làm nên thương hiệu của ĐHQGHN. Cảm ơn toàn thể xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí đã tin tưởng, ủng hộ, cổ vũ cho ĐHQGHN.

Xin trân trọng tri ân, cảm ơn và kính chúc sức khoẻ tới các thầy giáo cô giáo, các nhà khoa học, toàn thể cán bộ, các bạn học viên, sinh viên và học sinh của ĐHQGHN.

Kính chúc các thầy, cô giáo một dịp 20/11 ý nghĩa và thật nhiều niềm vui!

Xin trân trọng cảm ơn!

 VNU Media