(vietnamnet.vn) Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ thực hiện thi trên máy tính. Thí sinh đang làm bài ở phần 2 sẽ không thể quay lại câu hỏi ở phần 1 mà chỉ được làm lại các câu hỏi trong cùng một phần.
Mới đây, Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố đề thi tham khảo của kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí cho biết, đề tham khảo và bài thi chính thức sẽ gần giống như nhau. Do đó, thông qua đề thi tham khảo, thí sinh có thể làm quen với bố cục bài, cách thức trả lời câu hỏi để tự rút kinh nghiệm và có phương pháp làm bài tốt nhất.
Để có thể làm tốt bài thi đánh giá năng lực, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cũng đưa ra một số lời khuyên cho thí sinh trong quá trình ôn tập và làm bài.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội
Học tủ không phải cách để đạt điểm cao
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội nhằm đánh giá 3 nhóm năng lực chính, kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học sinh tích lũy trong quá trình học tập. Các câu hỏi được xây dựng từ cơ bản đến nâng cao, có câu hỏi vận dụng ở mức độ trung bình đến khó. Do đó, học lệch hay học tủ, thậm chí “học gạo” không phải là cách tốt nhất để đạt điểm thi cao.
“Cách thức đơn giản nhất là thí sinh hãy dành thời gian làm bài thi tham khảo trước ngày đăng ký dự thi. Trong những năm tới, Trung tâm Khảo thí sẽ cung cấp thêm một số đề thi tham khảo bên cạnh việc bổ sung liên tục các câu hỏi mới vào ngân hàng đề.
Việc làm thử đề thi tham khảo sẽ giúp thí sinh quen cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi, tìm hiểu thêm các lĩnh vực chưa nắm rõ, tính toán thời gian cho mỗi câu hỏi và kiểm soát tiến trình làm bài để lựa chọn đáp án thích hợp nhất, giảm áp lực tâm lý khi làm bài thi chính thức”, ông Thảo nói.
Để làm tốt những câu hỏi trắc nghiệm
Đối với bài thi có câu hỏi trắc nghiệm khách quan, theo ông Thảo, điều quan trọng là thí sinh phải kiểm soát tốt thời gian làm bài bằng cách phân bổ thời gian đọc hiểu đầu bài, đọc hiểu hướng dẫn từng phần, từng câu hỏi trước khi quyết định lựa chọn đáp án.
Với mỗi phần, thí sinh cần tiết kiệm thời gian đọc hướng dẫn bằng cách làm bài thi tham khảo, sau đó có thể phân chia thời gian làm bài của từng phần theo số câu hỏi của phần đó để biết thời gian cần thiết phải hoàn thành tất cả các câu hỏi.
“Nếu có thể, thí sinh tiết kiệm thời gian của từng câu hỏi để kịp xem lại toàn bộ các câu hỏi trong một phần, làm lại các câu hỏi thí sinh cảm thấy khó trong phần đó trước khi chuyển sang phần kế tiếp.
Các em cũng lưu ý, đề thi không sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó mà bố cục theo lĩnh vực có tính liên ngành, một số câu hỏi tích hợp các ngành. Do đó, nếu thí sinh gặp phải một câu hỏi quá khó thì hãy làm tiếp câu hỏi tiếp theo, sau đó trở lại câu hỏi đó nếu còn thời gian”, ông Thảo gợi ý.
Một lưu ý quan trọng khác cũng được GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh là điểm bài thi được tính dựa trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Vì thế, thí sinh nên cố gắng trả lời đủ tất cả các câu hỏi trong khoảng thời gian cho phép của từng phần.
Nếu còn thời gian, sau khi đã hoàn thành một phần, thí sinh đừng vội chuyển sang phần tiếp theo mà hãy kiểm tra lại các câu trả lời thí sinh chưa chắc chắn, bởi thí sinh sẽ không thể quay lại phần thi trước để sửa câu trả lời sau khi thời gian làm bài của phần thi đó đã hết.
Trình tự làm bài để đạt điểm cao nhất bài thi đánh giá năng lực
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, bài thi đánh giá năng lực sẽ gồm 3 phần là Định lượng (75 phút), Định tính (60 phút), Khoa học (60 phút). Trước khi bắt đầu mỗi phần, thí sinh cần đọc cẩn thận hướng dẫn trả lời.
“Thông thường, thí sinh hay có một chút bối rối ở phần định tính. Với phần thi này, các câu hỏi thuộc lĩnh vực văn học, ngôn ngữ nên thí sinh hãy đọc và xem xét tất cả các câu trả lời, vận dụng kiến thức, kỹ năng và tư duy theo hướng chọn đáp án cảm thấy phù hợp nhất với câu hỏi.
Ngược lại, các câu hỏi về toán học và khoa học tự nhiên thì phải tìm câu trả lời chính xác. Thí sinh có thể làm nháp và lựa chọn đáp án mà cảm thấy đúng nhất. Nếu không tìm thấy đáp án như tính toán, hãy đọc lại câu hỏi và xem xét lại tất cả các đáp án.
Điều quan trọng là thí sinh phải hiểu chính xác câu hỏi đang hỏi điều gì. Một số câu hỏi đòi hỏi người dự thi phải làm nháp, tính toán, suy luận để có đáp án đúng hay đáp án phù hợp nhất trong khi cũng có các câu hỏi dễ nhận ra đáp án thì cần phải làm nhanh.
Với các câu hỏi dễ, hãy kết thúc nhanh để giành thời gian cho các câu hỏi khó hơn. Sau khi hoàn thành câu hỏi dễ, hãy quay lại kiểm tra các câu hỏi khó trước khi chuyển sang làm phần tiếp theo.
Khi thí sinh trở lại với câu hỏi khó, hãy phát huy tư duy logic để loại bỏ những đáp án không đúng. So sánh các câu trả lời đã chọn với các câu còn lại và tìm hiểu xem chúng khác nhau ở điểm gì.
Sự khác biệt này có thể gợi ý cho thí sinh câu trả lời đúng. Hãy loại bỏ các câu trả lời sai nhiều nhất có thể, sau đó chọn đáp án dựa trên những mối liên hệ giữa các câu trả lời và đầu bài”, ông Thảo gợi ý.
Thúy Nga