Sáng ngày 21/09/2017, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã có buổi gặp mặt và trao đổi với hơn 400 tân sinh viên đại diện cho các sinh viên khóa QH – 2017. Tại buổi nói chuyện, Giám đốc đã có những chia sẻ về tinh thần đại học nói chung, ĐHQGHN nói riêng và những yêu cầu của cuộc sống đối với sinh viên thế kỷ XXI.
Tự hào là sinh viên ĐHQGHN – tiếp bước trường đại học quốc gia đầu tiên
Tại buổi giao lưu, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã thông tin về ĐHQGHN và sơ lược về lịch sử của giáo dục đại học Việt Nam. Ông cho biết, lịch sử giáo dục đại học Việt Nam đã có từ lâu đời, trải qua hơn 1000 năm với khởi nguồn từ việc xây nhà Thái học – Quốc Tử Giám năm 1076. Đây được coi là đại học quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1906, ĐH Đông Dương ra đời, là đơn vị tiền thân của ĐHQGHN ngày nay. ĐH Đông Dương là đại học hiện đại kiểu phương Tây đầu tiên của Việt Nam. Kế thừa truyền thống học thuật của Đại học Đông Dương, các đơn vị tiền thân sau này gồm Đại học Quốc gia Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hà Nội và ĐHQGHN tiếp tục phát triển theo mô hình đại học đa ngành, đa lãnh vực trên nên tảng khoa học cơ bản.
Sứ mệnh ĐHQGHN là phát triển và sáng tạo dựa vào tri thức. Hiện ĐHQGHN có đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành uy tín trong nhiều lĩnh vực, đội ngũ các giảng viên tâm huyết. ĐHQGHN sẽ là nơi sinh viên có thể sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu khoa học. ĐHQGHN đã, đang và sẽ đưa trí tuệ, lực lượng tri thức góp phần giải quyết những vấn đề của đất nước.
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn đã tự hào chia sẻ với tân sinh viên, ĐHQGHN với truyền thống hơn 110 năm phát triển với những tên tuổi lớn, những người thầy, những nhà văn hoá, cựu sinh viên là những nhà trí thức yêu nước đã đóng góp công sức, trí tuệ ở mọi mặt hoạt của xã hội, hiếm có một đại học nào mà tên tuổi của họ đã được được đặt tên cho nhiều các đường phố Hà Nội như: Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm, Trần Quốc Vượng…
Đại học trong thời đại của internet kết nối vạn vật: Cơ hội và thách thức của sinh viên
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ về những thay đổi của thời đại mới trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.
Sinh viên nói chung và sinh viên ĐHQGHN nói riêng đang có những cơ hội rất lớn, đồng thời cũng phải đương đầu với những thách thức mà thời đại mới mang lại.
Khi lượng thông tin bủa vây mỗi ngày thì cũng là lúc bản thân mỗi sinh viên cần chọn lọc cho mình những phương pháp học tập và làm việc sao cho hiệu quả.
Không chỉ tích lũy kiến thức, câu chuyện rèn luyện nhân cách hết sức quan trọng. Với những thay đổi nhanh chóng, con người đang đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Các bạn sinh viên đang được học tập tại ĐHQGHN được hưởng môi trường rèn luyện bản lĩnh nhân văn, bản lĩnh văn hóa. Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, “kiến thức và kĩ năng giúp chúng ta làm việc một đời. Chúng ta sẽ thành công bằng năng lực và kĩ năng nhưng những điều đó chưa đủ đem lại hạnh phúc. Bản lĩnh văn hóa hỗ trợ chúng ta sống suốt đời”.
Với bốn năm đại học, sinh viên cần chú ý cả hai điều trên, không chỉ tích lũy kiến thức mà còn rèn luyện bản lĩnh văn hóa. Điều đó sẽ tạo đà cho sự phát triển sau này của mỗi con người.
Bên cạnh đó, khi được học tập tại ĐHQGHN, sinh viên không chỉ tích lũy kiến thức theo một ngành học mà còn được học tập nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực. Với đặc thù là bồi dưỡng và đào tạo khoa học cơ bản, sinh viên ĐHQGHN đã và đang được trang bị đầy đủ hành trang vào đời. Phương pháp học căn bản và bổ sung các kĩ năng mềm, khả năng thích ứng công việc, môi trường lao động sẽ giúp sinh viên ĐHQGHN không những có việc làm mà còn có việc làm chất lượng, sáng tạo và có thể khởi nghiệp. Những kiến thức đó còn giúp chúng ta đối mặt với các cuộc cải tiến, cải cách mới của tương lai.
Lợi thế của sinh viên chính là sự hỗ trợ của trường đại học, không chỉ là những kiến thức mà còn là môi trường tạo dựng con người, tạo dựng trí lớn, cung cấp công cụ để “thỏa trí”.
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn trao thưởng cho các bạn tân sinh viên đạt thành tích cao tại kỳ tuyển sinh vào ĐHQGHN năm 2017
ĐHQGHN đang làm gì để hỗ trợ sinh viên?
Trước những lo lắng của sinh viên về quá trình học tập và cơ hội việc làm sau khi ra trường, Giám đốc đã chia sẻ: Bản thân sinh viên nỗ lực là chưa đủ. Với khả năng của mình, ĐHQGHN sẽ cố gắng hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên, sinh viên và học viên”.
ĐHQGHN không ngừng cải thiện hệ thống chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, với mong muốn tất cả mọi mặt quản lý có thể được số hóa, tạo thuận lợi trong việc học tập giảng dạy. Đặc biệt, với dự án Đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc với mong muốn có thể mang không gian xanh đến với sinh viên, ở đó sinh viên có thể học tập ở bất cứ đâu. Đô ĐHQGHN tại Hòa Lạc được tổ chức như một đô thị xanh, hiện đại, một thành phố đại học tầm cỡ khu vực.
Bằng việc tận dụng lợi thế đại học đa ngành mà các trường đại học khác không có được, sinh viên ĐHQGHN đang có nhiều lợi thế hơn và có cơ hội để trở nên “giàu có” hơn.
Bên cạnh đó, các công tác Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên với nhiều hoạt động hỗ trợ đang tạo điều kiện rèn luyện các kĩ năng bổ trợ, trải nghiệm cho sinh viên, ngoài việc tiếp thu kiến thức chuyên môn tại các giảng đường.
Sinh viên thế kỉ XXI cần gì?
Được sống và làm việc ở thế kỉ XXI thì chỉ với kiến thức chuyên môn là chưa đủ. Kĩ năng mềm, ngoại ngữ, các kĩ năng bổ trợ là điều tất yếu của sinh viên thời điểm này. Khi trả lời về công thức thành công của sinh viên thế kỉ XXI, Giám đốc ĐHQGHN đã chia sẻ: “Kiến thức nền tảng là cốt lõi, còn kĩ năng là để phục vụ nghề , sau đó mới đến các kĩ năng mềm và kĩ năng bổ trợ, mỗi cái đều có vai trò của nó. Kiến thức cốt lõi của nghề và kỹ năng nghề vẫn phải cần được ưu tiên trước. Bản thân việc thiếu kỹ năng bổ trợ sẽ khiến chúng ta không thích ứng được với nghề nghiệp, trở nên yếu thế, bất lợi trong quá trình tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu không có kiến thức nền tảng thì kỹ năng bổ trợ cũng không có giá trị. Nếu chúng ta tích lũy tốt cả hai điều trên thì chắc chắn chúng ta sẽ có thành công.”
Tại buổi giao lưu, Trưởng ban Công tác Chính trị HSSV Đinh Văn Hường đã chia sẻ và giải đáp những thắc mắc của các bạn sinh viên.
Trước đó, ngày 16/9/2017 tại Lễ khai giảng năm học 2017 – 2018 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn gửi tới các tân sinh viên thông điệp mang tính bền vững của mỗi cá nhân về Trách nhiệm xã hội và lý tưởng nhân văn.
Thúy Quỳnh - Tùng Linh - Thương Huyền - Ảnh: Ngọc Tùng - VNU Media