Cổng Thông tin Điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn GS.TS. PHẠM HỒNG TUNG, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020). Theo GS. Phạm Hồng Tung, hơn 50 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại cũng như giá trị di sản Người để lại vẫn là chủ đề được giới nghiên cứu Việt Nam trên thế giới đặc biệt quan tâm. Bài được đăng trên báo điện tử Đại biểu Nhân dân. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890 -1969 Chủ đề được quan tâm bậc nhất - Kể từ ngày 2/9/1945 và nhất là sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, nhiều người quan tâm giải mã chiến thắng của dân tộc Việt Nam qua việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin ông cho biết mối quan tâm của các nhà khoa học về cuộc đời, sự nghiệp và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh? - Cho đến nay, có thể khẳng định chắc chắn rằng, cuộc đời, sự nghiệp và di sản của Hồ Chủ tịch vẫn là chủ đề được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài quan tâm bậc nhất. Số lượng công trình viết về Hồ Chí Minh từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay có lẽ chỉ đứng thứ ba, sau các chủ đề là Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Cách mạng tháng Tám. Đó là 3 chủ đề rất gần nhau. Ở nước ngoài, rất nhiều nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện, trong đó nhiều công trình có tầm vóc, được giới chuyên môn đánh giá cao, như “Đồng chí Hồ Chí Minh” của nhà nghiên cứu người Nga E.Cobelep, “Hồ Chí Minh - Một cuộc đời” của nhà sử học Mỹ William J. Duiker; “Ho Chi Minh: The Missing Years” (Hồ Chí Minh – những năm tháng bị lãng quên) của nữ tiến sĩ Sophie Quinn-Judge (Đại học LSE, London, Anh)… - Từng tham dự một số hội thảo quốc tế gần đây, ông thấy các nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay theo hướng nào? - Năm 2019, kỷ niệm 50 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện Di chúc của Người, có 2 hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức ở nước ngoài, gồm hội thảo “Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam và trên thế giới” tại Học viện các nước Á - Phi thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow, Nga; và Hội thảo “Hồ Chí Minh toàn cầu” ở Đại học Columbia, Mỹ. Cả hai hội thảo đều quy tụ các chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của thế giới và Việt Nam. Nếu xét ở các nước phương Tây, đến nay có 2 hội thảo quốc tế lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thảo thứ nhất diễn ra ở CHLB Đức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), theo lời kêu gọi của UNESCO với ý nghĩa vinh danh vị Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và danh nhân văn hóa thế giới. Và gần 30 năm sau, hội thảo thứ hai diễn ra ở Đại học Columbia năm ngoái, tập trung những chuyên gia hàng đầu của Mỹ, Việt Nam và một số nước, cho thấy các nhà khoa học vẫn tiếp tục quan tâm nghiên cứu về chủ đề này. Qua các hội thảo gần đây, có thể thấy, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bước sang trang mới, tập trung vào 3 vấn đề: Làm rõ tầm vóc Hồ Chí Minh với tư cách là lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc và nhà lãnh đạo thuộc các Đảng Cộng sản, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh; làm rõ đóng góp thực sự - giá trị di sản của Hồ Chí Minh để lại cho thế giới và Việt Nam; Đảng và nhân dân Việt Nam đã kế thừa di sản của Người như thế nào. Quả thực, đây là 3 câu hỏi rất lớn. Lựa chọn văn hóa của nhân loại - Cụ thể, qua các cuộc hội thảo nói trên, đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế giới toàn cầu hóa được các nhà nghiên cứu đánh giá ra sao? - Tại hội thảo “Hồ Chí Minh toàn cầu” tháng 10/2019, GS. Pierre Asselin, chuyên gia về Việt Nam khẳng định: Trên thế giới trong thế kỷ XX, không có vị lãnh tụ nào được yêu mến, kính trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ người Việt Nam, mà ngay cả kẻ thù của Người cũng phải kính trọng một nhân cách như vậy. GS. Pierre Asselin có nhắc về thế hệ năm 1968, còn được gọi là thế hệ Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, trong khi chính phủ đem quân gây chiến ở nước ngoài, thì nổ ra một cuộc chiến ngay trong lòng quốc gia này. Lúc đó, sinh viên nào không tham gia phong trào hòa bình phản đối chiến tranh ở Việt Nam thì sinh viên đó bị cô lập; giáo sư nào không ủng hộ phong trào này thì giảng bài không có người đến nghe... Phong trào hòa bình không chỉ ở Mỹ, mà lan nhanh ra các nước phương Tây, người dân xuống đường rầm rập, chỉ hô vang mấy từ: Việt Nam! Hồ (Hồ Chí Minh)! Giáp (Võ Nguyên Giáp)! Căn cứ vào sử liệu để giải mã Hồ Chí Minh trong Chiến tranh Lạnh, Tiến sĩ lịch sử Đông Nam Á Alec Holcombe nhận định: Hồ Chí Minh giỏi ứng xử văn hóa và đủ lịch lãm để thoát khỏi ảnh hưởng của Mao Trạch Đông hay sự kỳ thị của Stalin, nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của hai cường quốc này. Báo cáo ấy nhận được sự đồng thuận của GS.TS. Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, người nghiên cứu sâu về tam giác quyền lực Liên Xô - Trung Quốc - Việt Nam trong Chiến tranh Lạnh, để cùng đi tới khẳng định: Phải là nhân cách Hồ Chí Minh - người trải qua kinh nghiệm hoạt động ở Quốc tế Cộng sản từ những năm 1924 - 1938, mới có thể kết hợp hài hòa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa chủ nghĩa Marx - Lenin với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam... - Năm 1990, UNESCO đã ra Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi nhận tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Theo ông, sự vinh danh này đã thể hiện đầy đủ những đóng góp quan trọng và nhiều mặt cho Việt Nam và toàn cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa? - Rất đầy đủ. Nghị quyết nêu rõ, Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc, vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm, và lý tưởng của Người là hiện thân cho khát vọng của các dân tộc về sự khẳng định bản sắc văn hóa và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc… Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova tại Hà Nội đã trao bản “Nghị quyết năm 1987 của UNESCO” tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 3/10/2010. Nhiều nhà khoa học và ký giả nổi tiếng đã chỉ ra rằng, khi phe Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, nhiều biểu tượng của chế độ XHCN đã bị những phần tử cực đoan phá hủy, kể cả tượng đài Lenin, nhưng Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh, tượng đài của Người ở Pháp, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc... vẫn được tôn trọng, giữ gìn. Đó là lựa chọn văn hóa của nhân loại, cho thấy rõ tầm vóc văn hóa và ảnh hưởng lâu dài và bền vững của Hồ Chí Minh với tính cách một nhân cách văn hóa và người Việt Nam tự hào có vị lãnh tụ như vậy. - Xin cảm ơn Giáo sư! |
Anh Minh - VNU Media |