<Dân trí> GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là một trong những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực vật liệu và kết cấu tiên tiến. Ông cũng là người Thầy tâm huyết và dìu dắt nhiều thế hệ học trò thành tài. Nhưng một trong những đóng góp không nhỏ của ông đó là, thành lập và phát triển những ngành khoa học mới.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức
Người truyền cảm hứng đam mê khoa học tới học trò
Đại học không chỉ là nơi giảng dạy và truyền thụ kiến thức, mà còn là cái nôi sáng tạo tri thức mới. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo cần phải thông qua nghiên cứu khoa học. Ý thức được tầm quan trọng của việc gắn đào tạo với nghiên cứu, GS Nguyễn Đình Đức đã bắt tay vào việc gây dựng và thành lập Nhóm nghiên cứu (NNC) ngay từ năm 2009, khi đang đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
Mặc dù, mô hình đào tạo gắn với nghiên cứu cũng như vai trò của NNC trong trường đại học đã được nhắc đến từ lâu, nhưng trên thực tế vào thời gian này ở Việt Nam vẫn còn rất ít nhóm hoạt động hiệu quả. Đây chính là động lực cho GS. Nguyễn Đình Đức thành lập nhóm và thử nghiệm thành công.
Ban đầu, nhóm chỉ có Thầy và một vài học trò. Nhưng là người thầy tận tụy và tâm huyết với nghề, ông đã truyền cảm hứng cho học trò qua những bài giảng; ông đã thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học, tình yêu ngành nghề, khơi dậy tiềm năng sáng tạo ở thế hệ trẻ. Một thời gian sau học trò đến với ông ngày một đông hơn. Thầy trò miệt mài cùng nhau, nghiên cứu và những bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín cũng ngày một nhiều.
Năm 2015, trên nền tảng kết quả nghiên cứu thành công của nhóm, đồng thời nhận thấy sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ hiện đại không thể thiếu sự tham gia của các vật liệu và kết cấu tiến tiến, GS Đức đã thành lập Phòng thí nghiệm và mở đào tạo chuyên ngành Vật liệu và Kết cấu tiên tiến tại Khoa cơ học Kỹ thuật và Tự động hóa (Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN).
Đồng thời, để tạo điều kiện cho sinh viên có năng lực và đam mê nghiên cứu có điều kiện tiếp tục học cao hơn ở bậc sau đại học, ông đã chủ trì xây dựng đề án mở ngành đào tạo tiến sỹ Cơ học Kỹ thuật ở Trường Đại học Công nghệ vào năm 2013 và ngay sau đó ông đã có lứa sinh viên giỏi đầu tiên được chuyển tiếp làm NCS khi tuổi đời rất trẻ.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức giảng bài cho sinh viên
Không chỉ thành lập Phòng thí nghiệm, mở ngành mới với triết lý “học đi đôi với hành”, sinh viên, NCS không chỉ tiếp thu tốt kiến thức trên lớp mà còn phải giỏi trong nghiên cứu khoa học, GS Nguyễn Đình Đức còn có hoài bão xây dựng ĐHQGHN không chỉ đi đầu về khoa học cơ bản, mà còn phải vững mạnh về kỹ thuật và công nghệ.
Đội ngũ trí thức gồm Thầy và trò phải tham gia giải quyết được những yêu cầu cấp bách của thực tiễn đề ra. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đang đô thị hóa, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kỹ thuật hạ tầng, xây dựng- giao thông, với sự phát triển thần tốc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã mở ra một cơ hội to lớn đối với việc đào tạo các ngành nghề mới này.
Nắm bắt được cơ hội đó, Giáo sư Đức đã xây dựng chương trình đào tạo Ngành kỹ sư Công nghệ kỹ thuật – xây dựng giao thông và bắt đầu tuyển sinh từ 2017.
Đến năm 2018, lãnh đạo ĐHQGHN và trường ĐH Công nghệ đã ủng hộ GS Đức thành lập Bộ môn Công nghệ kỹ thuật xây dựng giao thông trực thuộc trường (tương đương cấp Khoa).
Theo tính toán khảo sát sơ bộ, trong vòng 5 năm tới Việt Nam cần khoảng 5 triệu kỹ sư, lao động trong lĩnh vực này. Việc đào tạo các em sinh viên, NCS ngành này sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, với uy tín của nhà khoa học và quan hệ hợp tác với các cơ quan, trường đại học của Nhật Bản - quốc gia đầu tư ODA lớn nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng, GS Nguyễn Đình Đức đã đề xuất, xây dựng chương trình đào tạo thạc sỹ Kỹ thuật hạ tầng ở Đại học Việt Nhật với các hướng chuyên sâu cơ bản như: tính toán kết cấu và thiết kế; công nghệ -kỹ thuật tiên tiến trong xây dựng, thi công; nền móng công trình, vật liệu mới; quy hoạch; quản lý dự án và trở thành Giám đốc chương trình đầu tiên của ngành này.
Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh nhất nước
Vượt qua muôn vàn khó khăn về tài liệu, cơ sở vật chất, chỗ làm việc, duy trì tổ chức hoạt động của nhóm, sau 8 năm xây dựng và phát triển, NNC của GS Đức đã lớn mạnh, không chỉ có đông đảo đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh (NCS) mà còn có nhiều tiến sỹ trẻ tham gia với số lượng hơn 40 thành viên.
Thành phần được mở rộng, không chỉ có các đơn vị của ĐHQGHN như trường ĐH Khoa học Tự nhiên, trường ĐH Công nghệ, trường ĐH Việt Nhật mà còn có sự tham gia của nhiều NCS và tiến sỹ trẻ đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu khác trên địa bàn cả nước và cả ở nước ngoài. Uy tín của nhóm nghiên cứu đã vang xa và có sức thu hút trong cộng đồng khoa học quốc tế.
GS Đức cùng với các học trò thân yêu của mình
Quan trọng hơn, nhóm đã “gặt hái” được nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu và đào tạo, đồng thời góp phần phục vụ thực tiễn.
Cụ thể, nhóm đã công bố trên 250 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có 120 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế ISI (SCI, SCIE) có uy tín, được cấp 1 bằng sáng chế trong sản xuất chế tạo vật liệu nanocomposite ứng dụng chống thấm, xuất bản giáo trình và sách chuyên khảo (bằng tiếng Anh) phục vụ đào tạo đại học, sau đại học.
Trong thời gian qua đã có 5 NCS bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ và hiện đang đào tạo 10 NCS, 2 trong số 4 giải thưởng Nguyễn Văn Đạo của ngành Cơ học thì đó là học trò của GS Đức (TS Hoàng Văn Tùng và TS Trần Quốc Quân).
Ngoài ra, bằng uy tín khoa học của mình, GS. Nguyễn Đình Đức cũng đã thu hút được đội ngũ cán bộ, giáo viên rất giỏi và giàu kinh nghiệm tham gia giảng dạy, hướng dẫn cho học sinh, NCS của những ngành, khoa mới thành lập.
Bên cạnh các hướng nghiên cứu cơ bản, các đề tài khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sỹ, đề tài của NCS trong các ngành mới này đã tập trung vào nghiên cứu một số vấn đề cấp bách trong thực tiễn như: nghiên cứu ổn định an toàn kết cấu dưới các loại tải trọng đặc biệt; vật liệu composite tiên tiến ứng dụng trong đóng tàu; gia cường sửa chữa cầu và các kết cấu công trình xây dựng bằng vật liệu composite; nghiên cứu kỹ thuật khoan cọc nhồi gia công nền móng trong thực tiễn ở Việt Nam; nghiên cứu về công trình xanh và tính toán hiện đại trong thiết kế công trình; sử dụng vật liệu nano làm tăng hiệu qủa sử dụng năng lượng mặt trời; đánh giá trữ lượng và tiềm năng của năng lượng điện gió tại khu vực hải đảo ngoài khơi Việt Nam; đánh giá hiệu quả của BRT; tối ưu hóa các điểm đỗ xe công cộng...
Luôn “thâm nhập” vào những lĩnh vực mới
Nhóm nghiên cứu của GS. Nguyễn Đình Đức luôn chú trọng nghiên cứu những lĩnh vực mới trong khoa học như: vật liệu chức năng FGM, Vật liệu nano polymer composite, vật liệu đặc biệt chịu tải trọng nổ,... Đây là những hướng nghiên cứu mới của thế giới.
Cụ thể, GS Nguyễn Đình Đức đã bắt tay vào nghiên cứu vật liệu FGM năm 2005 và năm 2008 đã cùng NCS có công bố đầu tiên về ổn định tĩnh và động lực học của kết cấu tấm FGM. Kể từ đó đến nay, đã có nhiều bài báo và luận án thạc sỹ, tiến sỹ đề cập đến về vấn đề này. Vật liệu polymer, một vật liệu có nhiều lỗ rỗng và cơ bản là không dẫn điện.
Nhưng ông đã nghiên cứu, bổ sung một cách hợp lý các hạt nano để làm giảm các lỗ rỗng, dưới tác động tích cực của một hiệu điện thế, vật liệu polymer, đặc biệt polymer hữu cơ có thể phát quang. Hiệu ứng này đã mở ra muôn vàn ứng dụng trong thực tế,…Kết quả nghiên cứu khoa học của ông và NNC đã được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao, được mời báo cáo tại nhiều hội nghị quốc tế tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…
Thông qua buổi Seminar của các nhà khoa học hàng đầu về các kết cấu đặc biệt chịu tải trọng nổ của ĐH Melbourne (Úc) trong một chuyến công tác tại Việt Nam, sáu tháng sau, GS Đức và các cộng sự trong NNC đã có những bài công bố trên các tạp chí quốc tế về vấn đề này và sau đó đã tiến tới ký kết hợp tác giữa NNC của ông và NNC của ĐH Melbourne.
GS Đức và nhóm nghiên cứu
GS Đức và NNC cũng đã hợp tác hiệu quả với các nhà khoa học hàng đầu của ĐH Birmigham trong lĩnh vực Machine learning (học máy – trên nền tảng trí tuệ nhân tạo) thông qua đề tài hợp tác của Quỹ Newton do Hội Khoa học Công nghệ Hoàng Gia Anh tài trợ năm 2017.
Thuật toán tối ưu của bầy ong đã được các giáo sư của ĐH Birmingham đề xuất từ những năm 80 và đã có hàng trăm luận án tiến sỹ, hàng nghìn bài báo đã công bố của các nhà khoa học từ nhiều quốc gia nghiên cứu và phát triển mở rộng lý thuyết này ứng dụng trong thực tế và Machine learning. GS Nguyễn Đình Đức và các học trò của ông trong NNC đã tiếp thu, lĩnh hội và áp dụng cho các tối ưu hóa kết cấu FGM, và lần đầu tiên đã đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế về tối ứu hóa của bầy ong tại ĐHQGHN vào tháng 3 năm 2018, thu hút được những nhà khoa học từ các trường đại học hàng đầu của Vương Quốc Anh và Trung Quốc tham gia.
GS Nguyễn Đình Đức cho biết, trọng tâm nghiên cứu chuyên sâu và thế mạnh của PTN là các lĩnh vực: composite, vật liệu chức năng và vật liệu nano, vật liệu thông minh.
Bên cạnh đó, NNC và PTN của ông cũng là cơ sở nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực vật liệu nano composite ứng dụng trong công nghiệp đóng tàu, trong lĩnh vực năng lượng mới; các loại vật liệu và kết cấu auxetic có khả năng giúp giảm chấn, hấp thu sóng nổ cũng như có thể giúp lưu trữ lượng thông tin khổng lồ, đáp ứng yêu cầu của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; các vật liệu tiên tiến có tính năng đặc biệt sử dụng trong các điều kiện khắc nghiệt ở Việt Nam,...
Từ đó đã hình thành nên trường phái khoa học về vật liệu và kết cấu tiên tiến gắn với thông minh, với cách mạng công nghiệp 4.0, với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở ĐHQGHN.
GS Nguyễn Đình Đức còn là thành viên hội đồng biên tập quốc tế của 4 tạp chí ISI là Cogent Engineering (Nhà xuất bản Taylor & Francis – Vương Quốc Anh), Journal of Science: Advanced Materials and Devices (Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan), Journal of Science and Engineering of Composite Materials (Nhà Xuất bản De Gruyter, Đức), Journal of Mechanical Engineering Science (Proc. IMechE Part C, Nhà xuất Bản SAGE, Viện KHCN Hoàng gia Anh) và được mời làm chuyên gia nhận xét, phản biện cho hơn 60 tạp chí ISI có uy tín của quốc tế.
NNC, PTN và Khoa mới thành lập của GS Nguyễn Đình Đức đã và đang có quan hệ hợp tác bình đẳng, ngang tầm với các nhà PTN và các nhà khoa học có uy tín trong các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Úc, Canada,….như Đại học Công nghệ Tokyo và Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Melbourne (Úc), Đại học Birmingham (UK), ĐH Yonsei (Hàn Quốc), Đại học Tổng hợp Matxcova MGU (Liên bang Nga),…
Ông cũng là thành viên của Hội đồng quốc tế về tính toán trong khoa học vật liệu ACCMS, thành viên Ủy ban quốc tế về vật liệu chức năng thông minh có cơ lý tính biến đổi FGM.
Các học trò được ông đào tạo và dìu dắt đã tỏa đi bốn phương trời, làm việc trong các môi trường trong nước và quốc tế, được cơ quan, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đánh giá cao về trình độ và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ.
GS Nguyễn Đình Đức mong ước có cơ chế đột phá để thu hút nhân tài, sẽ giữ chân được nhiều hơn các em học sinh giỏi, tài năng ở lại trường tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công nêu trên, tâm sự với chúng tôi, GS Nguyễn Đình Đức cũng trăn trở và ước ao giá như được đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất và kinh phí cho nghiên cứu, có cơ chế đột phá để thu hút nhân tài, sẽ giữ chân được nhiều hơn các em học sinh giỏi, tài năng ở lại trường tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu, thay vì hiện nay các em phải bươn chải kiếm sống ở bên ngoài.
Trên cơ sở đó cũng sẽ thu hút được nhiều tiến sỹ trẻ tài năng ở nước ngoài về làm việc, và đội ngũ cán bộ của nhà trường sẽ ngày càng hùng hậu, sẽ có thêm nhiều công bố quốc tế và phát minh sáng chế hơn nữa.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng hy vọng những học trò do ông đào tạo sẽ trở thành những hạt nhân lan tỏa đam mê khoa học và sự cống hiến tới các bạn trẻ để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hội nhập và phát triển, vươn lên bứt phá ngoạn mục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Vân Hương