Những điểm cần lưu ý đối với thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2018

 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi, ĐHQGHN lưu ý thí sinh một số điểm mới trong quá trình thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018.

1. Phạm vi ra đề thi năm nay ngoài chương trình lớp 12 còn có các câu hỏi nằm trong chương trình lớp 10 và lớp 11.

2. Điểm các bài thi, môn thi được làm tròn đến hai chữ số thập phân: năm 2017, chỉ quy định điểm các môn thi, bài thi trắc nghiệm được làm tròn đến hai chữ số thập phân, còn năm 2018 quy định này áp dụng cho tất cả các môn thi, bài thi.

3. Thí sinh tốt nghiệp trung cấp dự thi để xét công nhận tốt nghiệp phải có học bạ trung học phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên hệ trung học phổ thông.

4. Thời gian giữa các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp năm nay sẽ rút ngắn từ 20 phút xuống còn 10 phút. Như vậy, quy định về thời gian này giảm đi một nửa so với năm 2017.

5. Bổ sung điều kiện bảo lưu đối với bài thi tổ hợp và các môn thành phần của bài thi tổ hợp.

6. Bổ sung đối tượng tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển là: a) Thí sinh đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về mỹ thuật được tuyển thẳng vào các ngành theo quy định của từng trường; b) Thí sinh đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp chính thức toàn quốc về mỹ thuật được ưu tiên xét tuyển theo quy định của từng trường; c) Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.

7. Điều chỉnh mức điểm ưu tiên khu vực trong tuyển sinh: từ năm 2017 về trước chênh lệch điểm ưu tiên giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm, năm 2018 là 0,25 điểm.

8. Thay đổi cách tính điểm xét tuyển: năm 2017 điểm xét tuyển là tổng điểm của ba môn thi (bài thi) của tổ hợp xét tuyển làm tròn đến 0,25 cộng với điểm ưu tiên. Năm 2018 điểm xét tuyển là tổng điểm của ba môn thi (bài thi) của tổ hợp xét tuyển cộng với điểm ưu tiên và làm tròn đến hai chữ số thập phân.

9. Bộ không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với phần lớn các ngành, trừ ngành sư phạm. Tuy nhiên các trường phải công khai ngưỡng chất lượng đầu vào trước khi thí sinh điều chỉnh đăng ký xét tuyển.

10. Trong suốt thời gian thi bài thi tổ hợp, thí sinh không được ghi chép các nội dung hoặc để lại các dấu hiệu liên quan đến bài thi, đề thi ra các giấy tờ, tài liệu, vật dụng… nào khác ngoài bài thi, giấy nháp có chữ ký của cán bộ coi thi. Các cán bộ coi thi cũng có trách nhiệm phải kịp thời thu giữ các giấy tờ, tài liệu, vật dụng… này nếu phát hiện vi phạm. Điều này được cho là nhằm khắc phục hiện tượng thí sinh chép đề thi môn trước rồi tranh thủ thời gian môn sau để làm bài đã từng xảy ra trong mùa thi 2017.

11. Khi thí sinh đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này. Nếu bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

12. Thí sinh được bảo lưu điểm thi của bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và bảo lưu điểm thi của từng môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 nếu bài thi, môn thi đạt từ 5 điểm (theo thang điểm 10) trở lên để xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018. Tuy nhiên, thí sinh lưu ý chỉ được bảo lưu kết quả toàn bài thi tổ hợp nếu điểm toàn bài đạt từ 5 điểm (theo thang điểm 10) trở lên và điểm các môn thi thành phần trong bài thi đều lớn hơn 1 điểm (theo thang điểm 10). Khi đăng ký bảo lưu điểm bài thi tổ hợp nào, thí sinh phải ghi đủ điểm của tất cả các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đó trong Phiếu đăng ký dự thi.

Các mốc thời gian cần lưu ý:

- 01/4 – 20/4/2018: Nộp hồ sơ ĐKDT và ĐKXT tại trường THPT hoặc Sở GD-ĐT

- Trước 20/5/2018: Nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển qua trường THPT hoặc Sở GD-ĐT

- Trước 07/6/2018: Nhận Giấy báo dự thi tại địa điểm nộp hồ sơ ĐKDT

- 24-27/6/2018: Làm thủ tục và dự thi THPT

- 11/7/2018: Xem kết quả thi THPT

- 11-20/7/2018: Phúc khảo kết quả bài thi THPT

- 18/7/2018: Công bố kết quả xét tuyển thẳng (HSGQG, học sinh THPT chuyên…)

- 20/7/2018: Cấp Giấy chứng nhận kết quả thi và Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT

- 19/7 đến 17h00, 26/7/2018: Điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến qua Cổng thông tin thí sinh: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn

- 19/7 – 17h00, 28/7/2018: Điều chỉnh nguyện vọng bằng Phiếu Đăng ký điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển tại trường THPT hoặc Sở GD-ĐT

- Trước 17h00, 06/8/2018: Công bố kết quả xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia

- Trước 17h00, 12/8/2018: Thí sinh xác nhận nhập học

- Từ 15/8/2018: Các trường đại học xét tuyển bổ sung (với các trường/ngành còn thiếu chỉ tiêu)

Năm nay, ĐHQGHN tuyển sinh 8.500 chỉ tiêu theo học 105 chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Giáo dục, Công nghệ, Luật học và Y Dược. ĐHQGHN xét tuyển theo 4 hình thức: (i) Thí sinh có kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định; (ii) Thí sinh có kết quả thi ĐGNL còn hạn sử dụng đạt từ 70,00/140,00 điểm trở lên và chưa nhập học vào bất kỳ đơn vị đào tạo nào của ĐHQGHN; (iii) Thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (A-Level) với tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng. Mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥60); (iv) Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Schoolastic Assessment Test, Hoa Kỳ).

 Giang Bùi (tổng hợp) - Ảnh: Ngọc Tùng - VNU Media