Năm 2020, ĐHQGHN tiếp tục duy trì được sự ổn định, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trên các lĩnh vực công tác, khẳng định vai trò đại học hàng đầu của cả nước, đồng thời gia tăng chỉ số, thứ hạng trên trường quốc tế. Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN xin trân trọng giới thiệu các thành tựu và sự kiện tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2020. |
1. TỔ CHỨC THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÁC CẤP VÀ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ VI ĐẢNG BỘ ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI Trong hai ngày 15 và 16/8/2020, Đảng bộ ĐHQGHN đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VI. Đại hội xác định khẩu hiệu hành động nhiệm kỳ 2020 - 2025 là “Đổi mới sáng tạo – Trách nhiệm quốc gia - Phát triển bền vững”. Mục tiêu đề ra là xây dựng Đảng bộ gương mẫu, trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu và khả năng lãnh đạo, dẫn dắt cao, phấn đấu đến năm 2025 đứng vào nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á, nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới. Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ ĐHQGHN nêu cao tinh thần dân chủ, đoàn kết, đổi mới sáng tạo - trách nhiệm quốc gia - phát triển bền vững, thể hiện ý chí và tinh thần quyết tâm cao của toàn Đảng bộ ĐHQGHN, phát huy sức mạnh tổng hợp mọi nguồn lực; Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, chủ động thích ứng với thời đại Cách mạng công nghiệp mới; Tạo ra một bước phát triển quan trọng, đưa ĐHQGHN trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển con người và đất nước. Thực hiện thắng lợi sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước giao phó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài dựa trên nền tảng sáng tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đỉnh cao, đóng vai trò nòng cột và đầu tàu đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN khóa VI, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ ĐHQGHN khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Kim Sơn đã tái đắc cử Bí thư Đảng ủy ĐHQGHN nhiệm kỳ 2020 – 2025. (Link tin) 2. THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC TRÊN CƠ SỞ NÂNG CẤP VÀ PHÁT TRIỂN KHOA Y DƯỢC, ĐHQGHN Ngày 27/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1666/QĐ-TTg về việc thành lập Trường ĐH Y Dược thuộc ĐHQGHN trên cơ sở nâng cấp và phát triển Khoa Y Dược, ĐHQGHN. Đây là trường đại học thành viên thứ 8 của ĐHQGHN. Việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường ĐH Y Dược là hiện thực hóa truyền thống đào tạo Y Dược của Đại học Đông Dương - đơn vị tiền thân của ĐHQGHN và cũng là những bước hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với xu thế chung của các cơ sở giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường ĐH Y Dược thuộc ĐHQGHN Theo đề án thành lập, Trường Đại học Y Dược phát triển theo định hướng nghiên cứu tiên tiến trong lĩnh vực y tế của khu vực, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực, những sản phẩm khoa học chăm sóc sức khỏe ở trình độ cao, chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng bước tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của y dược học Việt Nam; chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. (Link tin) 3. ĐHQGHN TIẾP TỤC GIỮ VỮNG VỊ THẾ VÀ GIA TĂNG UY TÍN TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ Lần đầu tiên, ĐHQGHN có mặt trong nhóm 101 – 150 trường đại học có thời gian thành lập dưới 50 năm theo Bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50. Cùng với đó, Bảng xếp hạng đại học QS Thế giới 2021 (QS World University Rankings 2021), lần thứ 3 liên tiếp xếp ĐHQGHN vào nhóm 801 - 1000 các trường đại học tốt nhất toàn cầu. Theo kết quả xếp hạng WUR 2021 của Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education – THE), ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đại học duy nhất Việt Nam nằm trong nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Điểm số đánh giá ở tất cả các chỉ số xếp hạng của ĐHQGHN đều tăng. Cũng theo kết quả xếp hạng THE theo lĩnh vực (THE WUR by Subject), 3 lĩnh vực của ĐHQGHN nằm trong nhóm 400 - 600 thế giới đó là: Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học máy tính và Khoa học Vật lý. Theo đó, lĩnh vực Khoa học máy tính (Computer Sciences) lần đầu tiên được THE đánh giá, nhưng đã có thứ hạng trong nhóm 501 - 600 thế giới; Khoa học Vật lý (Physical Sciences) được xếp trong nhóm 601 - 800 thế giới; Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering & Technology) được xếp trong nhóm 401 - 500 thế giới.
Tháng 11/2020, Tạp chí PloS Biology của Hoa Kỳ công bố danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới có ảnh hưởng lớn nhất năm 2020. Theo đó, ĐHQGHN có 2 nhà khoa học nằm trong danh sách này gồm GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - xếp hạng 5.798 thế giới và PGS.TS Lê Hoàng Sơn - xếp hạng 9.261 thế giới. Như vậy, hai nhà khoa học của ĐHQGHN nằm trong nhóm 1,4% nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất trong số 7 triệu nhà khoa học trong cơ sở dữ liệu của Scopus từ năm 1960 đến năm 2019. (Link tin) Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến thăm và giao lưu với can bộ, giảng viên, sinh viên và học viên Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN ĐHQGHN tiếp tục là nơi các chính khách quốc tế chọn thăm và truyền thông điệp. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ngày 19/10/2020, Thủ tướng Suga Yoshihide và đoàn quan chức cấp cao Nhật Bản đã đến thăm và thuyết trình trước cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên Trường ĐH Việt Nhật về chủ đề “Nhật Bản và ASEAN - Cùng xây dựng tương lai của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Thủ tướng Suga Yoshihide nhấn mạnh, Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN là một ví dụ điển hình cho sự hợp tác đào tạo nguồn nhân lực của hai quốc gia. Đây là biểu tượng cho sự hợp tác Nhật Bản - ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực toàn cầu cho thế hệ tiếp theo. (Link tin) 4. NHIỀU DẤU ẤN TRONG HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO Năm 2020, ĐHQGHN tuyển sinh 10.585 chỉ tiêu với 133 ngành/chương trình đào tạo bậc đại học, trong đó mở thêm 15 ngành học mới đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động thời chuyển đổi số. Theo thống kê, có 11.800 tân tinh viên nhập học với hơn 41% thí sinh nhập học các chương trình đào tạo chất lượng cao. (Link tin) Trong bối cảnh tính cạnh tranh trong đào tạo sau đại học ngày càng tăng, nhằm thu hút thí sinh và giữ vững chất lượng đào tạo, ĐHQGHN tiếp tục nghiên cứu, ban hành những chính sách để thu hút và hỗ trợ người học, nâng cao chất lượng đào tạo. Đổi mới hoạt động giảng dạy tại ĐHQGHN được coi là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay, đây không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2019 - 2020 mà là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn tới (2020 - 2025). Trong năm vừa qua, các đơn vị đào tạo đã triển khai xây dựng kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy và thực hiện theo lộ trình đề ra: Ban hành sổ tay hướng dẫn người học; Nghiên cứu, giới thiệu những công nghệ mới trong giảng dạy, mời chuyên gia tập huấn cho cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy của ĐHQGHN; Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ đổi mới trong giảng dạy… Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn trao bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho các học sinh đạt thành tích Olympic khu vực và quốc tế năm 2020 Năm 2020 cũng là năm học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên gặt hái nhiều thành tích tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 04 huy chương Vàng, 06 huy chương Bạc và 01 huy chương Đồng các môn: Toán học, Hóa học, Vật lý, Sinh học. Học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên luôn là nòng cột trong các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế và khu vực, đạt nhiều thành tích đáng tự hào. Đến nay, học sinh của Trường đã giành được tổng số 223 huy chương, trong đó có 65 huy chương Vàng, 84 huy chương Bạc và 74 huy chương Đồng. (Link tin) 5. DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐHQGHN TẠI HÒA LẠC CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN LỚN Năm 2020 là năm có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tài chính cho Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Ngày 1/7/2020, Ngân hàng Thế giới phê duyệt khoản tín dụng trị giá 125,18 triệu USD dành cho Tiểu dự án ĐHQGHN. Với khoản tín dụng này, ĐHQGHN sẽ đầu tư xây dựng tại ba khu vực với tổng diện tích đất là 37,5ha trong tổng số 1.000 ha của khuôn viên: Giai đoạn 1 của khu Trung tâm ĐHQGHN bao gồm Nhà điều hành và Trung tâm Thông tin Thư viện, khu Viện và trung tâm nghiên cứu liên ngành rộng 22,9ha và giai đoạn 1 của Trường ĐH Công nghệ. Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ĐHQGHN là cơ quan quyết định đầu tư dự án phía Bắc khu KTX số 4 theo hình thức hợp tác công tư. ĐHQGHN đang triển khai lập báo cáo tiền khả thi và lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư xây dựng Trường ĐH Việt Nhật sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản. Năm 2020, đã hoàn thành xây dựng tòa nhà HT1, đang triển khai xây dựng tòa nhà HT2 và nội khu Zone 4 của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; Xúc tiến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch triển khai thi công các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2020 – 2025. (Link tin) 6. NHIỀU THÀNH TỰU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐƯỢC CHUYỂN GIAO VÀ CÔNG NHẬN Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc ký kết biên bản chuyển giao sản phẩm KH&CN thuộc Chương trình cho lãnh đạo 14 địa phương vùng Tây Bắc Triển khai trong giai đoạn 2013 - 2020, các hoạt động của Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đã hoàn thành và góp phần giúp cho địa phương thay đổi nhận thức, quan điểm để lựa chọn ứng dụng khoa học công nghệ là khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp với các địa phương. Bên cạnh các nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học, chương trình cũng nhận được một số kết quả cụ thể, thực tiễn về ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa và các mô hình phát triển bao trùm. (Link tin) Cán bộ khoa học của ĐHQGHN đóng vai trò chủ chốt trong biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam Bản thảo Bộ Lịch sử Việt Nam (Bộ Quốc sử) vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận. Bản thảo bộ Quốc sử gồm 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện lịch sử, là kết quả triển khai Đề án Khoa học Xã hội cấp Quốc gia “Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam”, với sự tham gia của gần 300 nhà khoa học, bắt đầu thực hiện từ năm 2014. Trong số 30 tập của bộ Quốc sử, có 16 tập là do các nhà khoa học của ĐHQGHN làm Chủ nhiệm, Chủ biên/ Đồng chủ biên; có 10 tập do các đơn vị trong ĐHQGHN là cơ quan chủ trì. Gần như toàn bộ các cán bộ nghiên cứu lịch sử của ĐHQGHN đã được huy động tham gia công trình này. (Link tin) Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Phó đốc ĐHQGHN Pham Bảo Sơn (ngoài cùng bên phải) cùng đại diện các bên, các khách mời chính thức kích hoạt Cổng dữ liệu quốc gia Tại lễ khởi động Cổng dữ liệu quốc gia sau một thời gian xây dựng và thử nghiệm, đại diện một số Bộ ngành, cơ quan nhà nước và ĐHQGHN đã ký biên bản hợp tác về thúc đẩy dữ liệu mở và đồng hành trong việc xây dựng, triển khai, hoàn thiện Cổng dữ liệu quốc gia. Đây là minh chứng cho sự cam kết của các cơ quan Nhà nước trong việc triển khai các hoạt động quản trị dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng, xã hội, đồng thời thể hiện sự gắn kết, đồng hành giữa cơ quan Nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp trong công tác phối hợp thúc đẩy triển khai dữ liệu mở. (Link tin) Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kiểm định công trình là phòng thí nghiệm đầu tiên của ĐHQGHN được các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước công nhận đạt chuẩn quốc gia thử nghiệm kiểm định vật liệu và công trình. Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kiểm định công trình thuộc Trường ĐH Việt Nhật, do Chương trình Kỹ thuật hạ tầng của Trường chủ trì về chuyên môn. (Link tin) 7. HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN ĐƯỢC MỞ RỘNG, ĐI VÀO CHIỀU SÂU ĐHQGHN thúc đẩy mô hình hợp tác Đại học - Nhà nước - Địa phương - Doanh nghiệp, góp phần khẳng định hiệu quả thực chất trong các hoạt động hợp tác và phát triển. Năm 2020, ĐHQGHN tiếp tục thu hút nguồn lực từ các đối tác doanh nghiệp như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Viettel, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Techcombank trong các hoạt động trao học bổng, tài trợ triển khai chương trình đào tạo, các đề tài/dự án lớn của ĐHQGHN. Đồng thời, ĐHQGHN đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các địa phương thông qua việc triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác với các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình; Triển khai hoạt động góp ý Báo cáo chính trị và tư vấn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 cho các tỉnh Tây Bắc, Quảng Ninh và Thái Bình. Song song với đó, ĐHQGHN tiếp tục xúc tiến và hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TP. Hà Nội trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức. Song song với đó, các hoạt động hợp tác và phát triển trong lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được triển khai như: phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Thiền sư Pháp Loa - Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử” nhân kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch (1330 - 2020). Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận về hành trang, sự nghiệp tu hành và vai trò vị trí của Thiền sư Pháp Loa trong Phật giáo Trúc Lâm đời Trần, Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo đối với đời sống đương đại. Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị của Trung ương Hội Hữu nghị Liên bang Nga - Việt Nam cho GIám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn Trong bối cảnh chung của thế giới năm 2020, hoạt động hợp tác quốc tế của ĐHQGHN cũng chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Một số sự kiện quốc tế lớn, quan trọng, các chuyến công tác, làm việc, trao đổi hợp tác của các đối tác quốc tế đã bị hoãn hoặc hủy, hoạt động trao đổi cán bộ, giảng viên, sinh viên giảm đi đáng kể, ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, ĐHQGHN vẫn cố gắng duy trì kết nối và thúc đẩy các hợp tác đang triển khai với các đối tác, đồng thời tìm kiếm cơ hội mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác thông qua việc ký kết 07 thỏa thuận hợp tác mới cho việc triển khai các chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên; hỗ trợ, thúc đẩy xin tài trợ và triển khai các dự án hợp tác quốc tế; tiếp tục tổ chức 53 diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học quan trọng trong nhiều lĩnh vực theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. 8. ỨNG PHÓ VÀ THÍCH NGHI KỊP THỜI VỚI DỊCH BỆNH COVID-19 Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, với mục tiêu cao nhất không để dịch bệnh bùng phát, lây lan, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, sinh viên, cán bộ, ĐHQGHN đã chủ động ứng phó, thích nghi kịp thời bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và công bố đường dây nóng để tiếp nhận thông tin liên quan đến dịch bệnh. Đồng thời, ĐHQGHN ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách chỉ đạo, điều hành, các văn bản hướng dẫn triển khai để vừa có thể vận hành thông suốt toàn bộ hệ thống trong tình hình mới vừa đảm bảo công tác chống dịch hiệu quả. Cùng với đó, ĐHQGHN giao Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Bệnh viện ĐHQGHN phối hợp với Sở Y tế Hà Nội làm công tác vệ sinh dịch tễ trường học, ký túc xá và các hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch cho cán bộ, học sinh, sinh viên, học viên và người dân nơi các đơn vị của ĐHQGHN đóng trụ sở. ĐHQGHN chung tay trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19 Các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN tạm dừng các hoạt động giảng dạy trực tiếp, thay vào đó tiến hành các hoạt động giảng dạy trực tuyến (E-learning) thông qua các phần mềm Zoom, Microsoft Team nhằm đảm bảo tiến độ dạy và học, hỗ trợ sinh viên học tập trong thời gian giãn cách xã hội. Các bài giảng được tiến hành theo phương thức ghi hình giáo viên giảng dạy kết hợp với video clip và bảng viết, sau đó được phát trực tuyến trên các kênh fanpage, group của trường và môn học. Như vậy, chỉ cần một máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối internet, người học có thể đọc trước tài liệu, xem và làm/gửi bài tập trực tuyến. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19, các nhà khoa học và sinh viên ĐHQGHN đã nghiên cứu chế tạo các sản phẩm ứng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch như: thiết bị sát khuẩn tự động, máy rửa tay tự động, máy sát khuẩn buồng kín, robot nhắc đeo khẩu trang… 9. HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA ĐƠN VỊ Năm 2020 là năm mà nhiều đơn vị trong ĐHQGHN tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống và chặng đường phát triển: Trung tâm Hỗ trợ sinh viên tổ chức chương trình Gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 25 năm thành lập (1995 - 2020); Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm truyền thống, 25 năm thành lập; Viện Tài nguyên và Môi trường kỷ niệm 35 năm truyền thống xây dựng và phát triển (1985 - 2020); Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên kỷ niệm 10 năm thành lập, 55 năm truyền thống khối chuyên Toán - Tin và 35 năm truyền thống khối chuyên Vật lý và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Trường ĐH Ngoại ngữ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (1955 - 2020).
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 10. NHIỀU CÁ NHÂN, TẬP THỂ ĐẠT THÀNH TÍCH XUẤT SẮC ĐƯỢC VINH DANH Ngày 29/9/2020, ĐHQGHN long trọng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, giai đoạn 2020 - 2025. Tại Đại hội, ĐHQGHN vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ vì những thành tích xuất sắc, toàn diện trong nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước toàn quốc năm 2019; 03 tập thể thuộc ĐHQGHN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm học 2018 - 2019, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo là: Trường ĐH Công nghệ, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) và Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ). Trong 5 năm qua, toàn ĐHQGHN có 07 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 34 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 02 tập thể và 03 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 03 tập thể và 9 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 4 tập thể và 18 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 08 tập thể và 46 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 141 cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, 106 tập thể và 297 cá nhân được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 25 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. (Link tin) Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trao cờ thi đua của Chính phủ tặng ĐHQGHN - đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2019 Ngày 13/11/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 2015/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới cho Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN nhằm ghi nhận những đóng góp của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh Nhà trường trong 10 năm qua. Trước đó, khối THPT chuyên Toán – Tin, tiền thân của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên lần đầu tiên được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2005. (Link tin) GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú" Cũng trong năm 2020, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc – Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”. Trước đó, các nhà khoa học của ĐHQGHN cũng đã vinh dự được nhận danh hiệu này: GS.TS Phan Huy Lê, PGS.TS Hà Đình Đức, GS.TS Nguyễn Thừa Hỷ… (Link tin) |
VNU Media |