Tổng công trình sư của thời kỳ đổi mới

Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - gần một thế kỉ là vô cùng phong phú, sinh động, thể hiện trên nhiều lĩnh vực và trải dài trên cả 3 miền đất nước. Ông là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, là “tổng công trình sư” của nhiều dự án táo bạo. Một trong những thành tựu đáng kể của giáo dục Việt Nam và cũng mang “dấu ấn đậm chất Võ Văn Kiệt” đó là sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của Đại học Quốc gia (ĐHQG). Dù ở bất kỳ cương vị nào, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn quan niệm: Tất cả những ai nặng lòng với đất nước đều sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp chung. Niềm tin ấy giúp ông thành công trong mọi bước đi.

Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, quê xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tham gia Cách mạng từ khi mới 16 tuổi, năm 17 tuổi đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Người đảng viên trẻ, giàu nhiệt huyết sau đó đã tham gia hoạt động trong Đảng bộ Vĩnh Long, rồi Khu ủy Khu Tây Nam bộ trên nhiều chiến trường nóng bỏng. Năm 1960, đồng chí được Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam điều động về phụ trách Sài Gòn - Gia Định và giữ cương vị Bí thư, Phó Bí thư suốt 11 năm liền trong cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam...

Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Võ Văn Kiệt - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã có những cống hiến to lớn, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, đồng chí Võ Văn Kiệt góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, ổn định và vững bước trên con đường hội nhập, phát triển. Đồng chí Võ Văn Kiệt là người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược kiệt xuất, luôn dành thời gian đi sâu, đi sát cơ sở lắng nghe ý kiến nhân dân, văn nghệ sĩ trí thức và biết tập hợp sức mạnh của mọi lực lượng trong xã hội. Riêng đối với trí thức, đồng chí Võ văn Kiệt nhận thấy đó là nguồn lực hàng đầu không thể thiếu cho quá trình phát triển, phải tập hợp lực lượng này, phát huy trí tuệ, tài năng của họ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ  đất nước.

Nói về người đồng chí của mình, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười có lần chia sẻ: “Anh Võ Văn Kiệt là con người rất thực tiễn, con người của công việc, miệng nói, tay làm, không hay lý luận. Nhưng khi chỉ đạo điều hành hoặc xử lý công việc về đối nội và đối ngoại, anh thể hiện nhất quán những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc của Đảng một cách sinh động, triệt để. Anh là người lãnh đạo năng động và đầy nhiệt huyết, cả cuộc đời gắn với dân, với phong trào. Trong việc chỉ đạo thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa bốn vùng Tứ giác Long Xuyên, anh là người lặn lội với thực tế, thấu hiểu được lòng dân. Khi đã thấy đây là những vấn đề hữu ích, anh dám làm và chỉ đạo làm một cách quyết liệt”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với sinh viên ĐHQGHN, ngày 04/3/1997

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhấn mạnh: “Đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, đồng chí Võ Văn Kiệt góp phần quan trọng đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng, ổn định và vững bước trên con đường hội nhập, phát triển”.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “ở tầm quốc gia, những thành tựu to lớn về kinh tế của đất nước trong những năm đổi mới là công sức chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng thời cũng đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt. Với tầm nhìn chiến lược, với tính cách nổi bật là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “làm nhiều hơn nói nhiều”, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những tổng công trình sư của nhiều dự án lớn, quan trọng trong thời kỳ đổi mới đất nước”.

Thà mất chức chứ không để dân đói

Cuộc đời ông Sáu Dân gắn liền với những năm tháng lăn lộn trong dân, ăn cơm, mặc áo của dân, được dân cưu mang, che chở nên thấu hiểu được nỗi cực khổ cùng tâm tư, khát vọng giản dị của họ: Sau độc lập tự do là miếng cơm, manh áo, ruộng cày. Sống trong dân, ông cũng học được nhiều ở trí tuệ người dân. Họ không biết lý luận nhưng có cái nhìn rất sáng về cái đúng, cái sai, cái trúng, cái trật của cách mạng.

Niềm tin đó càng được củng cố sâu sắc thêm qua lời căn dặn của Bác Hồ: “nhân dân rất thông minh”, một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt là chính quyền “được lòng dân”. Điều đó đã tạo cho ông niềm tin và lòng dũng cảm để trở thành “tướng xé rào” ngay từ trong chỉ đạo đấu tranh vũ trang sau Hiệp định Paris rồi đến cả trong thời bình.

Trải lòng về nhà lãnh đạo kiệt xuất của thời kỳ đổi mới, GS. Trần Hiếu Đức, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “dù ở vị thế nào trên con đường của mình, từ người chiến sĩ cách mạng thời trai trẻ đến cương vị Thủ tướng, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn có niềm tin sâu sắc: Tất cả những ai nặng lòng với đất nước đều sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp chung. Niềm tin ấy giúp ông đến gần với dân hơn”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần làm việc với ĐHQGHN, năm 1997.

Cả cuộc đời đồng chí Võ Văn Kiệt đều dành cho cách mạng, hết lòng vì đất nước, vì nhân dân, lấy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống. Đồng chí Võ Văn Kiệt có tầm tư duy chiến lược, sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo; có tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đã cống hiến trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, góp phần đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.  Ngoài công tác lãnh đạo toàn diện, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tập trung chỉ đạo nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết các vấn đề sản xuất và đời sống. Trong thời bình, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những chỉ đạo “xé rào” nhằm tháo gỡ những bế tắc cho sản xuất và đời sống… nhất là thời kỳ 1978-1980. Đó là những quyết định về thu mua lúa với giá cao gấp 5 lần, khuyến khích sản xuất mặt hàng tiểu thủ công nghiệp…, đồng chí chấp nhận thà mất chức chứ không để dân đói.

Hoạt động cách mạng, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trải qua 70 năm là vô cùng phong phú, sinh động, thể hiện trên nhiều lĩnh vực và trải dài trên cả 3 miền đất nước. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam kể từ năm 1986, là “tổng công trình sư” của nhiều dự án táo bạo thời kỳ đổi mới. Dấu ấn của ông được khắc ghi bằng những công trình thế kỷ như: Đường dây tải điện 500KV Bắc – Nam, dự án thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa đồng bằng sông Cửu Long, đường Hồ Chí Minh, Nhà máy lọc dầu Dung Quất… mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam. Không chỉ quan tâm phát triển về kinh tế, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn là nhà lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng về văn hóa. ĐHQG, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam… được xây dựng là những minh chứng cho tâm huyết của cố Thủ tướng trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về giáo dục và đào tạo; về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, ông còn là người phấn đấu không mệt mỏi vì khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới.

 

“Cha đẻ” của hai Đại học Quốc gia

Một trong những thành tựu đáng kể của giáo dục Việt Nam là sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của hai Đại học Quốc gia và đây cũng là một trong những “dấu ấn đậm chất Võ Văn Kiệt”. Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học có thể so sánh như một thứ “ Khoán 10” trong giáo dục đại học. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển đại học trên thế giới, đặc biệt là trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão.

Trong hồi ký của mình, GS.VS Nguyễn Văn Đạo, Nguyên Giám đốc ĐHQGHN chia sẻ: “Chủ trương tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, xây dựng các ĐHQG, đã được đặt ra từ lâu (QĐ 73/HĐBT) và được bàn nhiều lần, ở nhiều cấp, nhưng trong một thời gian dài không triển khai được. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng đại học quốc gia với những ý tưởng mới về một nền giáo dục đại học. Sự ra đời của hai ĐHQG là mốc đổi mới sâu sắc trong cơ cấu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện loại trường đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với GS.VS Nguyễn Văn Đạo

Việc xây dựng ĐHQG nhằm mục tiêu để Việt Nam ta nhanh chóng có những trung tâm đại học mạnh, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các ĐHQG được xây dựng sẽ có tác dụng thúc đẩy đối với toàn bộ hệ thống đại học của nước ta”.

Ngày 10/12/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Nghị định thành lập ĐHQGHN. Tiếp theo đó là thời gian hoàn thiện ý tưởng và mô hình ĐHQG, thể hiện trong bản Quy chế đầu tiên về ĐHQGHN được ban hành vào ngày 5/9/1994. Quy chế này đã phản ánh khá đầy đủ những ý tưởng chiến lược của Thủ tướng về giáo dục đại học.

Trao tặng Thủ tướng bức ảnh Thủ tướng với sinh viên ĐHQGNN, ngày 12/11/1999

Khi hai ĐHQG được hơn một chục năm xây dựng và phát triển, cố Thủ tướng đã nói: “Bất cứ một chủ trương nào mà coi là đúng thì cũng phải có thời gian kiểm nghiệm. Quyết định thành lập ĐHQGHN và ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh đã được hơn 12 năm. Tới nay, nói chung chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định đó là chủ trương đúng. Bởi lẽ nước ta trong tiến trình đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hóa, hội nhập khu vực và thế giới, thì điều quan trọng hàng đầu là đào tạo con người, xây dựng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức trẻ có tâm và tài, đủ năng lực bắt kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến. Khi cân nhắc, lượng sức mình thì thấy không có cách nào khác hơn là chọn một số trường mũi nhọn để nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện còn khó khăn, nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển. Chính vì thế, sau khi lấy ý kiến của các nhà khoa học, giáo dục có uy tín, lúc bấy giờ Chính phủ quyết định thành lập hai đại học là ĐHQGHN và ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh ở hai trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội lớn của đất nước, tạo cho mỗi trường một số điều kiện thuận lợi và trao cho mỗi trường một quy chế tự chủ rộng rãi“.

Tư tưởng đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục đại học như đã nói ở trên đã gặp không ít khó khăn khi thực hiện ở trong ngành giáo dục cũng như ở bên ngoài, do nhận thức, do thói quen và cả do lợi ích cục bộ. Mặc dù vậy, trên cương vị Thủ tướng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đưa ra những quyết định táo bạo vào những thời điểm khó khăn nhất. Đồng chí trước sau như một kiên quyết chỉ đạo việc xây dựng ĐHQGHN theo tinh thần đổi mới đã đề ra và đã đạt được thành công to lớn.

Nhờ được quyền tự chủ cao và được tạo điều kiện thuận lợi, ĐHQGHN đã phát triển vượt bậc được cả trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao. Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất của ĐHQGHN cho đàng hoàng, xứng đáng với tầm vóc dân tộc. Đích thân Thủ tướng đã đi tìm địa điểm để xây dựng ĐHQGHN. GS.VS Nguyễn Văn Đạo kể: "Cán bộ và sinh viên của ĐHQGHN rất xúc động khi được biết rằng vào một ngày chủ nhật, Thủ tướng đã đi thị sát các địa điểm có thể xây dựng ĐHQGHN. Đến một nơi, do không được thông báo trước nên cổng thường trực không mở. Vậy là Thủ tướng và cả đoàn tuỳ tùng đã phải leo qua hàng rào để vào tận nơi quan sát khu đất. Sau nhiều ngày suy tính về tương lai của một đại học lớn, Thủ tướng đã quyết định dành cho ĐHQGHN một khu đất rất đẹp, rộng một ngàn hec ta tại Hòa Lạc. Khi đó, có những cán bộ thắc mắc sao lại đi xa vậy? Song bây giờ mọi người đều nhận ra sự sáng suốt của việc lựa chọn địa điểm này: ĐHQG phải có môi trường sinh hoạt rộng thoáng, phải đáp ứng cho nhu cầu phát triển của cả trăm năm sau, phải xứng đáng là một đại học lớn trong khu vực và trên thế giới".

Lễ ra mắt Ban Giám đốc ĐHQGHN, tháng 4/1994. Ảnh từ trái sang: GS.Đào Trọng Thi - Phó giám đốc, GS. Nguyễn Văn Đạo - Giám đốc, GS. Nguyễn Đức Chính và GS. Nghiêm Đình Vỳ - Phó giám đốc.

Trong nhiều năm, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn trăn trở: “Với quy mô của một đại học quốc gia thì điều kiện cơ sở vật chất còn quá khiêm tốn, hoàn toàn chưa đủ. Lẽ ra chúng ta phải đầu tư xây dựng ĐHQGHN ở Hoà Lạc sớm hơn. Nếu trong vòng 10 năm tới, chúng ta có thể xây dựng hoàn thiện ĐHQGHN trên diện tích đã được quy hoạch ở Hoà Lạc thì rất tốt. Chính đó mới xứng với tầm cỡ, đúng với ý nghĩa của ĐHQGHN, một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của Thủ đô và cả nước”.

Trong thư gửi đồng chí Phan Văn Khải, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng và đồng chí Phạm Gia Khiêm, ngày 13/10/1999, Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết: “Khi tôi còn làm Thủ tướng, chủ trương tổ chức các Trung tâm Đại học Quốc gia, Đại học vùng được bàn bạc nhiều và đi đến thống nhất trong Thường trực Chính phủ, Chính phủ. Chủ trương xuất phát từ yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực để đầu tư hàng loạt cho các trường đại học. Cho tới nay, tôi càng chắc chắn rằng, đó là một chủ trương đúng”.

 Đã 14 năm kể từ ngày mất của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tinh thần của một nhà lãnh đạo tài năng, nhiệt huyết, hết lòng vì Đảng, vì dân luôn đọng lại trong tâm trí bao người. Một tấm lòng nhân ái sâu sắc, một bầu nhiệt huyết sục sôi, một tầm nhìn rộng mở giàu trí tuệ... vẫn đang vẫy gọi và cổ vũ chúng ta, bằng những cố gắng thiết thực không mệt mỏi của từng người, tiếp nối sự nghiệp của ông còn dang dở và kế tục những gợi mở của ông còn tươi nguyên với cuộc sống này.

>>> Một số bài viết liên quan đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên website ĐHQGHN:

-Đoàn công tác của ĐHQGHN dâng hương tại Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Xây dựng một Đại học Quốc gia đúng tầm ngay ở thủ đô Hà Nội

Vĩnh biệt Đồng chí Võ Văn Kiệt !

Sáng mãi tấm gương Võ Văn Kiệt

 - Chùm ảnh nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Vài suy nghĩ về giáo dục và đào tạo phục vụ cho phát triển

Vô cùng thương tiếc nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Tinh thần cải cách đại học của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Hỏi chuyện phóng viên trẻ nhất từng phỏng vấn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

 Nguyễn Đức Phường - Ảnh: Bùi Tuấn - VNU Media